tam-an-thi-o-nha-tranh-cung-on-tinh-dinh-an-re-rau-cung-thay-thom
Tâm an thì ở nhà tranh cũng ổn, tính định ăn rễ rau cũng thấy thơm
- bởi tamthuc --
- 28/07/2018
Trong “Minh tâm bảo giám” có một đoạn viết: “Tâm an mao ốc ổn, tính định thái căn hương. Thế sự tĩnh phương kiến, nhân tình đạm thuỷ trường.” Ý tứ chính là, một người tâm mà an thì ở nhà tranh cũng ổn. Tính mà định thì ăn rễ rau cũng thấy thơm. Việc đời phải yên tĩnh mới thấy rõ. Tình người nhạt nhẽo mới được lâu dài.
Một người nếu tâm bất an sẽ vĩnh viễn không có cảm giác ổn định, vững vàng. Người mà trong lòng có dục vọng (ham muốn) quá mạnh thì vĩnh viễn không thể trải nghiệm được cảm giác nhấm nuốt rau mà vẫn cảm nhận được hương vị thơm ngon của cuộc sống. Chỉ người nào có tâm an, tính định mới có thể an tâm, vui vẻ với cuộc sống mộc mạc, giản dị, mới có thể hưởng thụ được cảm giác tiêu sái, thong dong.
Một người muốn thân an, tính cách bình tĩnh, ổn định thì điều quan trọng trước hết phải là giữ tâm được an. Một khi có tâm an thì tính cách cũng ổn và thân thể cũng liền theo đó mà an định. Một người nếu như cả tâm và thân đều ở trong trạng thái an định thì dù ở trong nhà tranh vách đất cũng thấy đủ, cơm rau dưa cũng cảm thấy ngon, khỏe mạnh và sống vui vẻ.
Trong xã hội ồn ào náo nhiệt, khiến cảm xúc và tâm thái của con người cũng luôn bị động theo. Người ta dễ dàng nảy sinh những cảm xúc phẫn nộ, hoài nghi mà “ăn không ngon, ngủ không yên”. Cho dù trước mặt người ấy có đủ sơn hào hải vị thì họ có ăn cũng không nuốt được, sao còn nói đến cảm nhận hương vị đây?
Cũng chính bởi vì không có tâm an, nhiều người dù ở trong nhà cao cửa rộng nhưng suốt ngày đều phiền não, buồn rầu. Có không ít người tuy ở trong những căn hộ xa hoa nhưng lại cảm thấy giống như ở trong nhà giam, căn bản là không thể hưởng thụ cuộc sống an ổn.
Bởi vậy mà rất nhiều người ngày nay đã bắt đầu muốn tìm kiếm cuộc sống “trở về với tự nhiên” như của người xưa: “Tâm mà an thì ở nhà tranh cũng ổn. Tính mà ổn định thì ăn rễ rau cũng thấy thơm”.
Những vị hiền triết thời cổ đại, sau khi đã chán ghét, quá mệt mỏi với con đường làm quan thường thường lựa chọn cuộc sống thanh bần để ẩn cư. Họ vui với cuộc sống điền viên, tĩnh lặng thưởng trà thưởng thức trăng sáng, làm một người “mắt điếc tai ngơ”, không màng thế sự.
Cũng có những người ở nơi phồn hoa đô thị hiểu rõ những điều huyền ảo trong cuộc đời. Họ mặc dù “thân ở nơi phố xá nhưng tâm lại như nước chảy”, không màng danh vọng, không tranh công đoạt lợi. Đây thực sự là một cảnh giới mà không phải ai cũng đạt được.
Sở dĩ người ta không đạt được tâm an, luôn thấy lo âu phiền não phần nhiều cũng là vì bị chi phối bởi những “được, mất”, những “danh, lợi, tình” trong cuộc đời.
Có truyền thuyết kể rằng, một ngày nọ, vị thần cai quản tài vận, phúc phận của con người là Triệu Công Minh dẫn bốn vị chính Thần đi đến đất Tề Lỗ. Nơi này là khu vực trực thuộc Đông Nhạc Đại Đế Hoàng Phi Hổ. Họ đều là những người quen biết đã lâu nên các vị Thần hạ mây đến phủ Hồng Phi Hổ viếng thăm.
Thấy Thần tài đến, Hoàng Phi Hổ đương nhiên rất vui mừng, tiếp đãi rất nồng nhiệt. Hoàng Phi Hổ nói: “Ta tuần tra thế gian nhiều năm như vậy, phát hiện ra rất nhiều người dân thực sự vô cùng thống khổ. Ngài là Thần tài cai quản phúc phận, sao không đem nhiều hơn một chút tiền tài cấp cho những người nghèo khổ?”
Triệu Công Minh nói: “Đế quân có điều không biết, phúc phận cả đời của một người là đã được định sẵn trong mệnh rồi, đều là đã có an bài, chúng tôi bất quá cũng chỉ là chiểu theo mà làm thôi, nào dám thiên vị ai!”
Thấy Hoàng Phi Hổ có phần nghi hoặc, chưa tin, Triệu Công Minh liền nói: “Được rồi! Thỉnh Đế quân theo tôi đi ra ngoài xem một chuyến.”
Các vị Thần đi tới bên bờ sông nhỏ. Trên dòng sông có một chiếc cầu dài mấy trượng bắc qua. Bên kia cầu đang có mấy người đàn ông chuẩn bị đẩy xe lên cầu. Họ giống như là những người đi chợ. Triệu Công Minh nói với Hoàng Phi Hổ: “Đế quân, ngài có thể bắt đầu xem hoạt cảnh được rồi!”
Vừa nói dứt lời, Triệu Công Minh đem một đồng tiền vàng lớn đặt ngay ngắn ở chính giữa cầu. Hoàng Phi Hổ vui mừng nói: “Vậy là được rồi! Ngài đặt tiền vàng ở ngay trước mặt họ thế kia thì người nào mà không nhặt chứ!”
Nhóm người đàn ông kia vẫn vừa đẩy xe qua cầu vừa nói chuyện. Đột nhiên một người trong số họ nói: “Các anh em! Hôm nay chúng ta hãy thi đấu, tất cả cùng bịt mắt lại rồi qua cầu, xem xem xe của ai không bị ngã nào?” Những người đàn ông còn lại, ai nấy đều nhiệt tình hưởng ứng. Họ đều vui vẻ bịt mắt lại, mà đẩy xe qua cầu. Kết quả, mỗi người một chân, đá đồng tiền vàng lớn kia xuống dưới cầu.
TAMTHUC
Hoàng Phi Hổ chứng kiến cảnh ấy, lắc đầu nói: “Ai nha! Còn có cả việc này nữa, cho tiền mà không cần!”
Triệu Công Minh nói: “Đế quân! Thỉnh ngài nhìn xuống xem, cảnh diễn còn chưa kết thúc đâu!” Nói xong, Triệu Công Minh lại để đồng tiền vàng lên cầu.
Đúng lúc ấy, từ bên kia cầu, một người đàn ông cưỡi ngựa đi sang bên này. Nhìn bộ dạng và cách ăn mặc “hợp thời” của người này, có thể thấy ông ta là người giàu có. Bỗng nhiên ông ta dừng lại trên cầu để đi vệ sinh và nhìn thấy đồng tiền vàng lấp lánh trên cầu.
Ông nhìn bốn bên vắng lặng rồi nhặt đồng tiền vàng lên và ngồi chờ nửa ngày xem có ai đến nhận không. Kết quả, ông ta chờ nửa ngày mà vẫn không có ai qua cầu. Trời bắt đầu tối, ông ta cầm đồng tiền vàng và lên ngựa cưỡi đi.
Những người tu đạo thời cổ đại đều tin rằng “sống chết có số, phú quý do trời” cho nên họ ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể ngủ mà không nằm mộng, tỉnh dậy thì không lo không sầu, ẩm thực không cầu quá ngon. Cái “an” của họ không chỉ khiến họ “vô lo vô ưu” mà còn là thái độ lạc quan xử thế, sống tự do tự tại với đời.
An Hòa (biên dịch và t/h)
TAMTHUC:
Comment