di-tim-di-hai-vo-toi-nhung-chuyen-kho-tin
Đi tìm di hài vợ tôi – những chuyện khó tin
- bởi tamthuc --
- 16/11/2012
“Lạ lắm ông ạ ! Ông cố thu xếp trở lại Quảng Nam đi, về Bình Sa gặp ông Năm Chiến đi!” Nhà văn Nguyên Ngọc bảo tôi thế. Rồi anh kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện với rất nhiều tình tiết ly kỳ, huyền bí, mà có thật, diễn ra trước mắt anh.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc bên mộ vợ – nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý
Kỳ I: 17 năm và những cuộc tìm kiếm vô vọng
Một ông tên là Năm Chiến vừa tìm được hài cốt người bạn anh, sĩ quan Sư đoàn 2 QK5, hy sinh đã lâu trên vùng núi Quế Sơn.
Chả là tôi cũng đã từng kể với Nguyên Ngọc việc tôi đi tìm không kết quả hài cốt vợ tôi, Dương Thị Xuân Quý, hy sinh tại thôn 2 (thôn Thi Thại) xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) huyện Duy Xuyên, trong một trận quân Nam Triều Tiên càn quét chốt giữ dài ngày, không được chôn cất, đến nay vẫn không biết thân xác bị vùi lấp chốn nào.
Tháng 4-1983, sau bao nhiêu công việc ngổn ngang của đất nước và gia đình thời hậu chiến, tôi mới thu xếp được chút thời gian và phương tiện để đi tìm Quý lần đầu tiên.
Cùng đi giúp tôi có các anh Đoàn Xoa, Nguyễn Bá Thâm, Vĩnh Quyền, Vũ Đình Thước trong Hội Văn Nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, nơi tôi vừa chuyển công tác từ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ngoài Hà Nội vào nhận nhiệm vụ Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng được mấy tháng.
Chúng tôi về Thi Thại, một thôn nhỏ nằm trên bờ bắc sông Bà Rén. Phải vạch cỏ dại lút đầu người mới vào được đến cái giếng đất, là vị trí mà anh Hải và anh Mười, hai người cùng rúc hầm bí mật với Quý may mắn chạy thoát đã xác định Quý bị địch bắn, và chắc đã chết tại đây.
Sau năm 1975, mỗi lần về Thi Thại tôi không dám lần vào tới chỗ này vì khắp thôn chưa gỡ hết mìn, chỉ thắp hương bái vọng ở vành ngoài. Địch đánh phá quá ác liệt, Thi Thại trở thành thôn trắng dân từ giữa năm 1968, người chạy xuống thôn 3, xuống Xuyên Thọ, người chạy ra Hội An, Đà Nẵng hoặc tứ tán đi chẳng biết những đâu.
Ban Tuyên huấn huyện Duy Xuyên hồi ấy đóng cơ quan tại cái xóm trắng dân um tùm cỏ dại này, và đương nhiên phải gài rất nhiều mìn khắp các ngả để phòng vệ, bình thường thì làm việc trong mấy căn hầm tránh pháo, khi địch lùng sục càn quét thì xuống hầm bí mật.
Các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Đoàn Xoa cùng các đồng nghiệp văn nghệ Khu 5 và Quảng Nam trong buổi lễ cải táng nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý
Quý từ trên Khu xuống, cùng sống và làm việc với anh chị em tuyên huấn Duy Xuyên, sau chuyến đi Xuyên Hoà trên vùng tây của huyện trở xuống đây đang tranh thủ ngồi viết thì gặp trận càn.
Đêm 8/3/1969, Quý theo Mười (du kích xã), Hải (đội viên đội vũ trang tuyên truyền huyện) từ dưới hầm bí mật bò lên tìm cách thoát khỏi vòng càn, ra tới góc vườn có cái giếng đất thì Hải đi trước bị vướng mìn sáng, cả ba vội nhảy xuống giếng, địch xộc lại bắn, Quý trúng đạn gục ngã dưới chân Mười, Hải bị thương.
Thế nhưng Mười và Hải cũng đã kịp ném lựu đạn phản kích rồi Mười cõng Hải chạy thoát. Quý nằm lại dưới giếng. Mười kể với tôi: “Chị Quý đứng phía vách giếng đối diện với luồng đạn, chị bị vào ngực khuỵu xuống ngay dưới chân em, giếng lại có nước đến gần thắt lưng, chắc là chị chết dưới giếng anh ạ”.
Căn cứ vào đó, tôi đinh ninh nếu đào chỗ giếng đất lên chắc sẽ tìm thấy Quý. Phát hết cỏ, giếng bị lấp đất lâu ngày nhưng vẫn hiện rõ vành miệng và một phần thành giếng thoai thoải. Cả một ngày trời chúng tôi đào xuống tận lớp đất đen, đào thật rộng ra bốn phía mà chẳng thấy gì ngoài một chiếc mâm nhôm.
Bà Dũng nhà ở liền kề bảo đó là chiếc mâm bà ném xuống để giấu địch trong một trận càn từ đầu năm 1968, nếu Quý nằm dưới giếng, chắc chắn hài cốt phải ở trên lớp đất có cái mâm.
Cuối cùng, tôi đành hốt một ít đất dưới đáy giếng bỏ vào chiếc tiểu sành đem gửi ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hoà Phước ven đường số 1 gần TP Đà Nẵng để có chỗ đi về thắp hương vọng niệm.
Từ đó lòng dạ hoang mang chẳng biết làm sao tìm được Quý. Những năm ấy chưa thấy xuất hiện những người có khả năng đặc biệt tìm được hài cốt bị thất lạc, thậm chí ý niệm về điều đó cũng chưa có, ít nhất là trong tôi.
Cho đến khi nghe câu chuyện ly kỳ của Nguyên Ngọc, tôi lại khấp khởi hy vọng. Ai nói thì tôi còn nghi hoặc, chứ Nguyên Ngọc thì tôi không thể không tin. Toàn bộ câu chuyện anh kể cho tôi nghe, sau đó anh đã viết thành bài đăng trên tạp chí Thế giới mới.
Thế rồi, một sáng sớm đầu tháng 4 năm 1995, tôi có mặt tại sân nhà ông Năm Chiến, ở thôn Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Có được buổi sáng này cũng không dễ.
Từ một tuần trước, tôi phải nhờ anh Ngọc, Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, cũng là người cùng xóm và thân thiết với ông Năm Chiến, đưa về tận nơi giới thiệu để xin chiếu cố tôi ở xa mãi trên Đà lạt, được xếp vào diện ưu tiên, chứ nếu chờ lần lượt theo thứ tự thì chắc chắn phải cả tháng trời.
Quanh sân nhà ông Năm Chiến và cả bên sân nhà hàng xóm kéo ra tới ngã ba con đường cát, người chờ đợi rất đông. Nhiều người trọ luôn ở đây, trong mấy túp nhà người ta dựng vội cho thuê, không có giường, chỉ mắc võng. Dịch vụ đã kịp mở ra. Kèm theo nhà trọ là mấy cái quán lợp tranh bán bún, mì, cà phê, bia, nước ngọt.
Với rất nhiều hy vọng ở khả năng đặc biệt của ông Năm Chiến mà báo chí và lời đồn đại đã đưa tên tuổi lan đi khắp nước, một người anh cọc chèo với tôi, anh Nguyễn Dy, liền cất công từ Hà Nội vào, dù lúc này anh đã quá lục tuần, lại chẳng lấy gì làm khoẻ vì một tai nạn giao thông.
Mấy hôm sau, bé Ly, con của tôi và Quý, đang rất bận vì nhiệm vụ phóng viên ở báo Phụ Nữ TP HCM cũng cố thu xếp công việc để bay ra. Mọi người thì thầm truyền tin cho nhau: Ông Năm Chiến tuần trước được đón bay vào Sài Gòn tìm được nhiều mộ liệt sĩ lắm, vừa mới về hôm kia đã lại có xe đón đi Quảng Ngãi, sáng nay sẽ về.
Mọi cặp mắt đều chăm chăm ngóng ra con đường cát, nhẫn nại chờ đợi. Cũng như anh em tôi, tất cả những người tới đây đều trĩu nặng trong lòng nỗi day dứt suốt bao năm về một người thân, về nhiều người thân đã mất, phần lớn vì chiến tranh, mà hài cốt còn nằm đâu đó, không biết chốn nào…
Theo chỉ dẫn của một người đã tới đây nhiều lần, tôi viết sẵn một tờ đơn, nội dung ghi rõ: “… Kính mong Thầy giúp cho tìm hài cốt vợ tôi là liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, quê quán thôn Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hải Hưng, hy sinh đêm 8/3/1969 tại thôn 2 xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng”.
Một chồng đơn khá dày, phải đến hàng trăm tờ, đặt trên chiếc ghế đẩu dưới cái mái tôn vẩy ra che tạm bên hông nhà dùng làm quán cà phê. Trong lúc chờ đợi, tôi nghe hóng những chuyện người ta kể với nhau về các cuộc tìm mộ hết sức ly kỳ của ông Năm Chiến.
Tình cờ tôi gặp lại ở đây một người quen cũ, anh Lê Tấn Minh, trước kia là Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh Đoàn Quảng Nam – Đà Nẵng, sau chuyển sang phụ trách lực lượng TNXP.
Anh Minh kể với tôi, chính mắt anh đã chứng kiến ông Năm Chiến chỉ dẫn tìm thấy một bộ hài cốt dưới nền ngôi nhà trụ sở cơ quan anh đóng tại số 37 Lê Lợi – Đà Nẵng. Tôi càng thêm tin tưởng và hy vọng.
Khoảng 7h30 ông Năm Chiến về. Đây là giây phút đầu tiên tôi được nhìn thấy con người huyền thoại này. Đó là một người đàn ông khoảng trên dưới bốn mươi, dáng gầy gầy dong dỏng cao, nước da ngăm đen, gương mặt dầu dãi như tất cả những người nông dân vùng cát miền Trung vốn chịu nhiều vất vả.
Ông mặc bộ đồ âu giản dị, bên thắt lưng có đeo chiếc bóp hoặc bao kính gì đó, trên vai vắt chiếc khăn mặt. Ông thong thả lấy khăn lau mồ hôi, cúi chào mọi người rồi bước vào ngôi nhà ngói nhỏ ba gian, phía trái có thêm hai gian nhà ngang cũng lợp ngói. Gian giữa ngôi nhà chính là nơi đặt bàn thờ. Trên dãy bàn kê dọc trước bàn thờ bày đầy đồ cúng.
Ông Năm Chiến bước lại bộ phản trải chiếu hoa cạnh bàn thờ ngồi nghỉ, lưng dựa vào cửa sổ. Một bà cụ già khép nép đến bên ông, hai tay trịnh trọng trình một tấm giấy cứng khổ lớn, nài nỉ gì đó. Ông Năm Chiến đọc tấm giấy, giọng khổ sở: Trời, bác đem nguyên cả bản gốc tấm bằng này đến đây làm chi, sao bác không phô-tô ra ?…
8h30, ông Năm Chiến xếp một chồng đơn lên bàn thờ rồi thắp hương khấn vái rất lâu. Khấn xong ở bàn thờ trong nhà, ông ra thắp hương ở bàn thờ ngoài trời nơi mép sân. Tiếp đó, ông trở vào ngồi trên chiếc ghế cạnh đầu bàn kê dọc trước bàn thờ trong nhà. Ông ngồi cúi đầu, hai khuỷu tay chống lên mặt bàn, trán gục vào đôi bàn tay chắp lại.
Bắt đầu giờ phút mà tôi cảm thấy là nghiêm trọng. Trong nhà ngoài sân im phăng phắc, không khí linh thiêng bao trùm. Độ hơn mười phút sau, cả người ông Năm Chiến bỗng giật mạnh, giật mạnh. Một âm thanh gì đó như cuộn từ dưới bụng bật lên thành tiếng “ợ”… tựa hồ ông muốn ói mửa.
Những cái giật và “ợ” theo nhau dồn dập hơn, mạnh hơn. Có cảm giác thân xác ông đang bị hành bởi một sức mạnh bí ẩn nào đó. Rồi ông loạng choạng đứng dậy, cặp mắt trợn trừng chỉ thấy lòng trắng, miệng nhể dãi, ông chậm chạp bước từng bước ra hàng hiên, hai cánh tay đưa về phía trước, đôi bàn tay xòe như cánh ăng-ten đang bắt một làn sóng vô hình.
Bằng một giọng trọ trẹ như giọng Huế hoặc Nghệ Tĩnh nhưng phát âm hơi khó nghe, chắc chắn là khác hẳn giọng Quảng Nam ông nói lúc bình thường, ông bắt đầu gọi tên một người trong lá đơn đầu tiên trên xấp đơn được đặt lên bàn thờ khi nãy – xấp đơn lúc này vẫn nằm trong bàn thờ. Chính xác ra, không phải ông gọi tên, mà gọi họ.
– Họ…Nguyện !… Họ…Nguyện !…(họ Nguyễn)
Nhịp độ tiếng gọi chậm, nhấn từng âm một.
Theo cảm nhận bấy lâu nay của mọi người và họ nói lại cho tôi hay, thì đó không phải là tiếng gọi của ông Năm Chiến, mà là tiếng gọi của Ông. Ông đây nghĩa là một hồn thiêng nào đó – có lẽ từ thời xa xưa, phút này đã về nhập vào thân xác con người có tên là Năm Chiến.
Tôi cũng có cảm nhận mang máng thế, nhưng cũng không dám hoàn toàn xác quyết. Thật khó diễn tả trạng thái này. Con người duy lý và con người tâm linh của tôi tranh chấp. Một mặt thực sự tin vào sự linh thiêng và thành tâm chờ đón điều kỳ diệu sắp hiển hiện, một mặt cái quán tính duy lý vẫn hoạt động và tỉnh táo quan sát.
-Họ…Nguyện !…
Thân chủ họ Nguyễn đã đứng chực sẵn gần đó, vội bước tới bên ông Năm Chiến, tay cầm giấy bút, ghi vội những lời Ông nói. Một người khác đưa chiếc máy ghi âm sát lại để hỗ trợ cho cây bút khó ghi kịp.
“Nhà ngươi rọ chưa ? Nhà ngươi rọ chưa?” – Ông luôn nhắc lại câu hỏi đó, sau mỗi đoạn ra lời chỉ dẫn. Rồi Ông (trong thân xác ông Năm Chiến) quay vào nhà, đến bên bàn. Thân chủ trải vội tờ giấy trắng và đưa Ông cây bút. Ông vẽ sơ đồ chỉ dẫn tìm hài cốt…
Hết buổi sáng, xong được mười một trường hợp.Chưa đến lượt tôi.
Buổi chiều, đơn của tôi nằm ở vị trí đầu tiên. Thật căng thẳng những giây phút chờ đợi ông Năm Chiến thắp hương, khấn, ngồi tĩnh tại bên bàn tựa trán trên hai bàn tay chắp lại để Ông xuất hiện qua những cơn giật, rồi rời chỗ bước loạng choạng ra đứng trước thềm ngửa mặt lên và gọi.
– Họ…Bùi ! Họ…Bùi !
Tôi vội bước lại sát bên, giấy bút sẵn sàng, hồi hộp chờ nghe và ghi từng lời ông. Những lời ông nói cho tôi, nghe rất khó, chỉ rõ nhất là hai tiếng “họ Bùi” và mấy tiếng “nhà ngươi rọ chưa?” nhắc đi nhắc lại, cùng mấy tiếng lướt lướt mơ hồ mà tôi đoán là hình như nói về một dòng nước, hoặc nước, hoặc chỗ có nước và một bờ tre nào đó.
Những tiếng mơ hồ ấy khiến tôi liên tưởng ngay đến dòng sông Bà Rén, cái giếng đất, cái bờ tre, những hình ảnh gắn liền với những giây phút cuối cùng của Quý.
Ông Năm Chiến loạng choạng bước trở lại chỗ đầu chiếc bàn vừa ngồi khi nãy. Tôi biết đây là lúc vẽ sơ đồ như từ sáng tới giờ tôi thấy ông đã làm cho mọi người, vội tiến đến đặt mấy tờ giấy trắng và cây bút lên mặt bàn. Ông vẫn đứng, cầm lấy bút và vẽ rất nhanh.
Mấy giây sau tôi đã có một tấm sơ đồ. Ba vệt loằng ngoằng cùng chiều như làn sóng chạy chéo trang giấy. Một vệt nữa cũng cùng chiều nhưng làn sóng nhỏ hơn, mau hơn. Cách ra một chút là một ô hình thang dài, phía cạnh nhỏ không thẳng mà vòng cung, bên trong có một chấm nhấn đậm và một gạch ngắn.
Kề bên hình này là một khoanh tròn nhấn đi nhấn lại rất đậm, liền kề là một cái gạch một đầu nhấn đậm từ đó toả ra ba nét toé ngắn. Sau cùng là con số 1,2m viết hơi to hơn mấy hình kia. Thú thực là nhìn vào đó rất khó hiểu, tôi chỉ suy đoán bằng sự liên kết với những ấn tượng đã có.
Tôi chỉ hình dung thấy dòng sông Bà Rén, bờ tre và cái giếng đất. Nhưng đối chiếu với thực địa thì lơ mơ lắm. Con số 1,2m thì chắc là chỉ khoảng cách, nhưng chịu không thể xác định đó là khoảng cách giữa vật chuẩn nào với chỗ cần phải đào, hay là phải đào sâu 1,2m?
Tôi muốn hỏi lại để có được một lời giải thích rõ hơn, nhưng dường như bị “ám” bởi cái chất huyền bí của dạng ngôn ngữ âm âm dương dương lúc ấy nên tự nhiên tôi ngại ngùng.
Trên đường trở lại Thi Thại, tôi và anh Dy cùng xem xét phân tích bản sơ đồ rồi cùng xác định: chỗ được khoanh tròn đậm là cái giếng đất, cứ đào sâu 1,2m và sâu hơn nữa, rộng ra bốn phía 1,2m và rộng hơn nữa. Cả một ngày đào không thấy gì.
Thực ra chúng tôi đã lặp lại việc đào tìm của năm 1983. Hôm sau, tôi và anh Dy lại vào Bình Sa, lại đặt đơn xếp hàng chờ đến lượt. Khi đến lượt tôi, được nghe chỉ dẫn như sau, tôi ghi lại mấy câu đáng chú ý nhất : “… từ dưới hầm… mái tóc quá dài vướng cành cây…… trúng chất sáng……giặc bắn chết trong hầm……nằm ven sông, hướng đông bắc……Đại Hàn chôn……khai quật chưa đến……trên 1,2m…”.
Lời chỉ dẫn này khiến tôi bán tín bán nghi, bởi Mười và Hải đều khẳng định họ đã ra khỏi hầm cùng nhảy xuống giếng, Quý bị địch bắn hạ dưới giếng, các chi tiết này cùng chi tiết trúng chất sáng (tức là vướng mìn sáng) thì tôi đã viết bài đăng báo in sách nhiều lần nhiều người đã biết, không phải là một thông tin mới.
Cái thông tin mới mà ông đưa ra thì lại sai, bởi mái tóc của Quý là mái tóc ngắn. Một thông tin mới nữa là Đại Hàn chôn khiến tôi không thể không nghĩ đến tình huống: sáng hôm sau cái đêm định mệnh ấy, địch kéo xác Quý từ dưới giếng lên và vùi lấp ở đâu đó. Nhưng ông Năm Chiến (tức Ông) lại nói: Nằm ven sông, hướng đông bắc…
Quả là cái giếng đất nằm ở hướng đông bắc con sông Bà Rén vốn chảy từ tây xuống đông, tại quãng này có một khúc quanh hơi chếch về phía nam, nhưng từ giếng đất tới bờ sông khoảng cách khá xa, dễ đến 300m, vậy nằm ven sông là ven như thế nào và lấy vật chuẩn nào để xác định được nơi cần đào tìm?
Chờ lúc ông Năm Chiến ở trạng thái bình thường, tôi đề nghị được đón ông ra Thi Thại để trực tiếp chỉ dẫn tìm kiếm trên thực địa nhưng ông bảo thời gian này đang có quá nhiều người sốt ruột đợi được phục vụ ngay, phải chừng tháng rưỡi hai tháng nữa mới đi được.
Về lại Thi Thại giữa lúc buồn phiền bối rối thì mấy anh em trong xóm đang giúp tôi đào tìm, mách: ở xã Bình Tú (cũng thuộc huyện Thăng Bình) có ông thầy Tám hay lắm, không thua gì ông Năm Chiến nhưng ổng mới xuất hiện nên ít người biết, cứ vào mời ổng ra tìm trực tiếp tại đây thế nào cũng thấy. Tôi vội phóng vào Bình Tú.
Hỏi thăm mãi mới tới nơi. Thầy Tám có lẽ chỉ khoảng 35-36 tuổi gì đó chứ không già như tôi hình dung qua cái tiếng thầy mà người ta tôn xưng. Ông sống trong một ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương tàn tạ giữa khu vườn rộng đầy lá rụng.Vắng vẻ, quạnh hiu. Gọi mãi mới thấy ông từ vườn sau bước ra, đoạn đi rửa chân tay rồi tiếp tôi.
Nghe tôi trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng, ông trịnh trọng mặc áo lễ nhận lễ vật đặt lên bàn thờ thắp hương và cúng. Ông bảo tôi ngồi bên cạnh ông, hơi lui lại đằng sau một chút, trong lúc ông đọc một bài niệm gì đó. Xong, ông bảo:
– Chỗ này, đông bắc có dòng thủy, nam có dòng thủy, bắc có dòng thủy, có bờ tre, đào sâu 9 tấc là thấy.
Tôi ngẫm nghĩ: Đông bắc và bắc có dòng thủy thì quan sát trên thực địa chưa thấy, trừ phi đó là mạch nước ngầm, còn nam có dòng thủy thì đó chính là dòng sông Bà Rén ở cách những 300m, bắc có bờ tre thì quả thật phía bắc của giếng đất cách một quãng ngắn là cái bờ tre còn lại từ thời Quý hy sinh, hiện anh em đã đào tới gần sát chân tre.
Tôi mời ông ra thực địa để chỉ dẫn trực tiếp, ông nhận lời và bảo lúc này đã chiều muộn, về sắm lễ, gồm vàng mã, hoa quả và rượu, ngày mai 1h30 chiều đón ông, 3h làm lễ. Ông dặn thêm: Ngày mai khi vào đón nhớ đem theo một nắm đất chỗ đang đào.
Hôm sau, tôi vào đón ông lúc 11 giờ, sớm hơn dự định, để mời ông ăn trưa ở thị trấn Hà Lam (trên đường đi) cho tiện. Ông thấy vậy cũng được. Trước khi đi, ông đặt nắm đất tôi đem đến lên bàn thờ thắp hương cúng.
Ăn trưa xong, trên đường ra Thi Thại, ngồi sau xe máy tôi chở, có lúc ông Tám ghé tai tôi bảo: Kỳ này tôi tìm được chị cho anh, anh viết bài đăng báo nghen ! Nghe ông nói thế, tôi không khỏi gợn lên một chút rầu lòng nghi hoặc nên chỉ ừ ào cho qua chuyện.
Tuy vậy, tôi lại tự trấn an: Lúc này là lúc ông Tám đang trong trạng thái bình thường với những ham muốn bình thường, còn cái khả năng đặc biệt thì đang chìm sâu và chỉ xuất hiện vào một khoảnh khắc nào đó, nhờ vào một cơ duyên nào đó, phụ thuộc vào những yếu tố nào đó mà mọi người, kể cả ông Tám chưa thể biết được.
3 giờ chiều, ông Tám thực hiện các nghi lễ cúng cầu bên miệng cái hố anh em đang đào. Nghi lễ này lúc đầu cũng giống như chiều hôm trước ở nhà ông. Nhưng tiếp theo phải làm một công đoạn khác hẳn.
Sau khi ông buông một lời phán: “Chỗ này có người chết treo!” liền bảo tôi đến ngồi vào chỗ ông đang cúng. Ông tháo chiếc khăn sa tanh vàng đang quàng trên cổ quàng sang cổ tôi và bảo hai người ngồi hai bên từ từ siết lại như động tác thắt cổ. Một trong hai người ấy là anh Nguyễn Bá Thâm sau này kể lại rằng tôi bị thắt đến tím cả mặt mày.
Tôi thì lúc ấy tất nhiên chẳng thể biết mặt mũi mình ra sao, chỉ cố chịu đựng cái cảm giác ngộp thở để mong sẽ có một sự xuất thần kỳ diệu nào đó ở ông Tám.
Còn ông Tám cầm bó nhang nghi ngút khói lầm rầm khấn khứa rồi đột ngột hô “thôi!” đồng thời vừa ném mạnh bó nhang vừa hô tiếp “đào chỗ đó!”, tay chỉ về phía bó nhang vừa rơi.
Chỗ bó nhang rơi là góc miệng cái hố đã được đào đến gần sát chân tre. Mọi người lập tức thay nhau vào việc. Trước hết phải bươi hết chỗ đất đã tấp thành vồng lớn bên miệng hố, chặt tre, đánh hết gộc tre để mở thêm mặt bằng. Đào rộng ra, đào sâu xuống.
Tôi nhớ lại lời ông Tám nói chiều qua: Đào sâu 9 tấc là thấy và hồi hộp theo dõi từng nhát cuốc, từng nhát xẻng. Nhưng đã quá 9 tấc, quá 1m cũng chưa thấy gì. Cứ đào tiếp, sâu đến chạm cả mạch nước. Tôi mừng thầm: Bắc có dòng thủy, hoá ra là có thật.
Nước dềnh lên rất nhanh. Phải đi thuê gấp một chiếc máy bơm hút cạn nước rồi lại đào tiếp. Bùn lệt sệt. Phải múc từng xô bùn dòng dây kéo lên. Bỗng tôi nghe tiếng reo khẽ từ dưới hố sâu :
– Có xương nè ! Tôi nhoài người nhìn xuống hố. Rồi lại nghe tiếng nói: Mà tuồng như…như… Sao bự quá vậy hè? Nguyễn Bá Thâm ngồi cạnh tôi đón lấy coi, xì một tiếng thất vọng: È, xương bò!
Một lát sau, nghe ở dưới đáy hố tiếng cuốc chạm kịch kịch. Cuốc, xúc, moi, hối hả. Rồi thì anh em lôi ra một tấm ván ngấm bùn thâm đen. A, thôi rồi, chắc đây là ván lót hầm bí mật, hình như cái hầm này là của cánh Hội An.
Một người lớn tuổi, hẳn thuộc thế hệ đã tham gia kháng chiến và hiểu biết tình hình địa phương thời ấy, nhận xét. Tôi cũng đã được biết trên địa bàn thôn Thi Thại này thời ấy có nhiều đơn vị đứng chân, nào Tuyên huấn Duy Xuyên, dân y Duy Xuyên, thị đội Hội An… Hầm bí mật thường đào ngầm chân tre và hầm của đơn vị nào đơn vị nấy biết. Liệu còn gì trong hầm không? Biết đâu…
Anh em moi tiếp và đào rộng ra nữa. Nhưng không tìm được gì ngoài tấm ván đã được lấy lên.Trời đã xẩm tối.Tôi và anh Dy quyết định kết thúc công việc trong nỗi thất vọng. Tôi đưa ông Tám trở về Bình Tú. Dọc đường, tôi an ủi ông: Ngay như ông Năm Chiến thì hiệu suất tìm được cũng chỉ 70 – 80%.
TP – Không còn hy vọng gì tìm được Quý, tôi quyết định dựng ở chỗ cái giếng đất cũ đó một tấm bia tưởng niệm...
Kỳ II: Ông Đặng Xuân Ba, người chỉ đúng nơi Quý nằm
Ra tới Đà Nẵng, việc đầu tiên là tôi gặp nhà điêu khắc Phạm Hồng, người bạn thời kháng chiến, nhờ anh phác sơ trên giấy một tấm bia tưởng niệm dự định sẽ dựng bằng đá Ngũ Hành Sơn cỡ nho nhỏ phù hợp với số tiền mà bố con tôi có.
– Phác thảo thì dễ thôi, để làm sau, mà có lẽ cũng chả cần, bây giờ đi tìm đá trước đã.
Phạm Hồng lấy xe máy chở tôi qua bên kia sông Hàn vào Hoà Hải, nơi có làng đá Non Nước nổi tiếng. Vòng đi vòng lại vài lần, bỗng Phạm Hồng ghé vào dừng xe trước một cửa hàng lớn có cái bảng hiệu rất độc đáo NGUYỄN VIỆT MINH, quay lại vỗ vai tôi:
– Chu cha, nhìn này, cái khối đá …
Chếch bên mép cửa hàng, trên nền cát lề đường, một khối đá trắng đặt nằm có dáng tự nhiên rất đẹp, hình trụ, một đầu to thon dần về phía đầu nhỏ, vừa nhìn đã thấy mê. Mê, nhưng ngại. Vì nó quá lớn, đường kính đáy phải đến trên nửa mét, dựng lên thì cao phải đến trên 2 mét. Tôi thì thầm:
– Thích quá, nhưng làm sao mình mua nổi.
– Thì cứ hỏi giá thử coi.
Chúng tôi bước vào cửa hàng, gặp ngay ông chủ ra tiếp. Ông có gương mặt phúc hậu, đượm chút phong trần, trạc tuổi ang áng cũng ngang tôi với Phạm Hồng. Ông cho biết khối đá ấy giá 2 triệu rưởi. Tôi và Phạm Hồng im lặng nhìn nhau.
Phạm Hồng thăm dò: Có bớt được không? Ông chủ bảo không bớt được và giải thích rằng toàn bộ khu vực Ngũ Hành Sơn đã bị cấm khai thác đá, khối đá kia là ông mua từ Thanh Hoá chở vào định sẽ xẻ ra làm tượng nhỏ.
Tôi ghé tai Hồng bảo khẽ: Ông ấy có bớt chắc cùng lắm cũng chỉ vài trăm ngàn, mà chừng đó thì mình cũng chẳng mua nổi.
Hồng bảo, ừ, nhưng mà nó đẹp quá, đúng với mong muốn của mình quá, chỉ cần để nguyên thế thuê thợ khắc văn bia vào, đích thân Hồng sẽ chạm phù điêu chân dung Quý bên trên văn bia rồi dựng lên là được một bia tưởng niệm đẹp và độc đáo hết ý.
Quả thật sau cái phút nhìn thấy khối đá kia hai chúng tôi như bị hớp hồn, không còn thấy một khối đá nào hấp dẫn nổi mình. Hồng lại gạ bớt. Ông chủ bảo bớt cho hai trăm ngàn, và hỏi mua để làm gì?
Trong lúc tôi đang thầm tính đến việc sẽ đề nghị Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản tác phẩm của Quý và ứng trước nhuận bút để bù đắp vào khoản thiếu hụt thì Hồng giới thiệu về tôi với ông chủ, về sự hy sinh của Quý và hoàn cảnh của tôi hiện nay. Nghe xong ông chủ bảo bớt hẳn 5 trăm ngàn, chỉ lấy tròn 2 triệu…
Từ đấy hàng năm tôi đều cố thu xếp mọi việc ở Đà Lạt để về đây một hai lần. Lòng tôi vẫn mơ màng Quý cũng nằm quanh quất đâu đây thôi. Tôi gặp làm việc với UBND xã Hoà Phước xin dỡ bỏ ngôi mộ tượng trưng tại NTLS đằng ấy.
Nhân tiện xin kể thêm, suốt thời gian dựng bia, hễ cứ nghe anh em mách bảo ở đâu có “thầy” là tôi lại tranh thủ tìm đến. Chẳng hạn một buổi tối tôi được dẫn sang Duy Vinh, xã liền kề Duy Thành. Trong ngôi nhà tôn nền đất trống trải, lạnh lẽo và tối om, thấy một ông “thầy” còn trẻ cùng người “phụ tá” ngồi cạnh chiếc bàn gỗ mộc có chiếc đèn dầu liu hiu.
Sau mấy thủ tục đầu tiên (đặt một món tiền nhỏ vào cái đĩa và thắp nhang), thì ông “thầy” duỗi chân vặn mình ợ oẹ, liếc qua cũng thấy ngay là động tác giả, miệng xổ một tràng âm thanh quái dị ra điều là “hồn” đang “phán” đấy, vụng về đến mức tôi cố nén để khỏi phì cười.
Gã “phụ tá” phiên dịch rằng “hồn” bảo nhà ngươi phải cúng một chiếc Dream đời mới thì “hồn” chỉ chỗ cho. Tôi ậm ừ gật gật làm bộ lắng nghe rồi vội cáo lui. Đại khái thế, cái tâm trạng khắc khoải thường trực đã cuốn tôi đến vài ba chỗ hắc ám như thế ở Duy Xuyên, Điện Bàn thời gian ấy.
Mỗi lần về đây tôi được vợ chồng Võ Bắc cho biết, vào các ngày lễ, tết, cơ quan chính quyền, đoàn thanh niên, phụ nữ, văn nghệ địa phương đều có đến đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm Quý.
Việc hương khói thường xuyên thì tuy không nghe kể nhưng tôi biết vợ chồng Bắc luôn chăm lo chu đáo. Đời sống nhà Bắc năm sau đều khá hơn năm trước, Bắc khoe thế. Và đặc biệt, sau ba đứa con gái đầu, năm 1999 vợ Bắc bỗng sinh thêm được thằng con trai…
Tôi ở lại Thi Thại thêm mấy ngày và tìm gặp anh Ba Lữ (Võ Thế Lữ), nguyên xã đội trưởng xã Xuyên Tân (Duy Thành) vào thời gian Quý hy sinh. Tôi gặp anh vì một việc khác, không ngờ lại nhận được một thông tin rất giá trị.
Anh Ba Lữ kể, anh là người đầu tiên dẫn anh em du kích vào thôn 2 (Thi Thại) ngay sau khi bọn Nam Triều Tiên rút đi. Trước đó anh đã được nghe anh em báo cáo khu vực Thi Thại có hai người hy sinh là chị Quý nhà báo và ông Hiểu cán bộ thôn.
Ông Hiểu thì tìm được ngay nhờ thấy một nấm đất đắp sơ sài trên có cắm cây thập giá buộc bằng que tre, còn chị Quý thì không thấy đâu, nhưng gặp một chỗ ruồi bu rất nhiều liền tổ chức đào bới mà cũng chẳng thấy gì ngoài những cành tre gộc tre chồng chất rối bời.
Chi tiết này thật mới đối với tôi, hồi giờ chưa từng nghe ai nói. Tôi vội chở anh Ba Lữ tới thực địa nhờ anh chỉ cho cái chỗ đặc biệt đáng chú ý ấy, và nhờ Bắc, Chính đào ngay.
Không đầy 30 phút sau, ở độ sâu chừng 60-70cm, dưới lòng một giao thông hào đã bị lấp, tôi tìm thấy một tấm dù hoa màu cỏ úa. Chỗ ấy chỉ cách vị trí dựng bia tưởng niệm (giếng đất cũ) hơn 5m.
Chị Nguyễn Thị Một, nay là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam, là người sống cùng những ngày cuối của Quý, do đi công tác trước trận càn nên thoát được, đã xác nhận “đó chính là tấm dù chị Quý đã dùng”.
***
Sau những lần tìm kiếm vô vọng từ năm 1983 đến năm 2000, cuối cùng mới có cơ duyên cho tôi gặp được đúng người cần gặp, đó là anh.
Đầu năm 2006 anh Nguyễn Trung An một lần đến nhà tôi, bảo:
– Ông Quốc à, có việc rất quan trọng tôi cần nói với ông…
Anh Nguyễn Trung An hơn tôi gần chục tuổi, trung tá cựu chiến binh, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng, chúng tôi là đôi bạn vong niên thường qua lại nhà nhau chuyện trò về văn chương, thế sự. Nghe anh nói vậy với một giọng thì thầm hơi có vẻ bí mật, tôi hồi hộp chờ đợi.
– Ông Quốc có nhớ ông Ba, bố vợ thằng Dũ không ?
– Nhớ…
– Ông Ba thế mà có khả năng đặc biệt lắm đấy, ổng đã tìm được nhiều mộ liệt sĩ bị thất lạc, nhưng rất kín tiếng không cho đưa tin. Ông Ba có ngỏ ý riêng với tôi rằng muốn giúp anh Quốc tìm chị Quý, nhờ tôi nhắn: Khi nào anh Quốc sắp xếp được thời gian về Quảng Nam thì cho biết để ông ấy cùng đi.
– Vậy à? Hiện nay anh Ba đang ở đâu?
– Ông bà ấy đã chuyển về Sài Gòn lâu rồi, có nhà dưới ấy rồi, nhưng riêng ông Ba vẫn thuê một căn phòng trong khu tập thể cơ quan ở Đà Lạt đây, bên phường 10, để làm trạm liên lạc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bữa nào ông thong thả tôi đưa sang ổng chơi.
– Dạ, dạ… tôi còn bận ít ngày, để bữa nào rảnh tôi sẽ điện sang anh.
Khoảng mươi hôm sau, một buổi tối, anh An dẫn tôi tới nhà anh Ba. Tôi quen anh Ba từ ngót hai chục năm trước. Ấy là do con rể anh, nhà báo Lưu Hữu Nhi Dũ, lúc ấy vừa tốt nghiệp đại học về làm ở cơ quan tôi, Hội Văn nghệ Lâm Đồng.
Từ khi vợ chồng Dũ chuyển xuống Sài Gòn tôi ít có dịp gặp lại, và anh Ba thì hoàn toàn không gặp nữa từ sau một lần Dũ đưa tôi sang uống rượu với anh bên khu tập thể của nhà nghỉ Công đoàn tỉnh, nơi anh đang công tác sau khi chuyển ngành từ quân đội ra.
Tối hôm đó gặp lại anh Ba tôi mới được biết tên họ đầy đủ của anh là Đặng Xuân Ba. Anh kể, anh người họ Đặng Xuân ở Nam Định, ông nội vào làm quan ở Điện Bàn thời triều Nguyễn, cha lấy vợ Quảng Ngãi, định cư ở Quảng Nam, anh tham gia bộ đội đánh Pháp tại đây rồi tập kết ra Bắc.
Năm 1965 lại đi B, thuộc một đơn vị thông tin của Bộ Tổng hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên. Anh cũng kể, vợ anh, chị Dương Thị Tuyết Minh với Dương Thị Xuân Quý vợ tôi có thời gian cùng học phổ thông cấp 2 ở Hà Nội, vẫn nhớ và hay nhắc lần Quý lên Thái Nguyên công tác đã đến đơn vị thăm Minh khi chị đang trong quân ngũ.
Chúng tôi bàn việc đi tìm Quý.Tôi kể lại vắn tắt về các lần tìm kiếm trước đây. Tôi cũng không giấu việc các chị ruột của Quý đã đến gặp cô Phan Thị Bích Hằng để “gọi hồn”, được nghe lời Quý qua cô Hằng bảo đừng tìm nữa, từ đó tôi và gia đình quyết định ngừng tìm kiếm.
Anh Ba yên lặng một lát rồi hỏi tôi về mọi chi tiết trong những giây phút cuối của Quý. Tôi kể lại tất cả những gì tôi đã được nghe từ Mười và Hải.
Tôi cùng anh Ba xem lại công việc của mỗi người để có thể chắt ra một quãng thời gian hợp nhau cùng về Quảng Nam. Lịch công việc của anh Ba rất sít sao, dày đặc lời hẹn với các gia đình liệt sĩ trên nhiều vùng đất nước. Thế rồi sau mấy lần nữa liên lạc qua điện thoại, chúng tôi thống nhất sẽ lên đường ngày 1/8/2006.
Anh Ba đi xe của vợ chồng anh Thanh, một gia đình liệt sĩ có người em vợ hy sinh ở khu vực đèo Mang Giang, tỉnh Gia Lai, và người anh ruột hy sinh ở một xã thuộc vùng tây Duy Xuyên. Cùng đi có anh Nguyễn Đình Mai, đại tá cựu chiến binh, nguyên thành đội trưởng thành đội Đà Lạt.
Tôi bảo anh Ba cứ đi đèo Mang Giang trước (xuất phát lúc 4h sáng), tôi đi chuyến xe đò buổi chiều về thẳng Tam Kỳ, hẹn sẽ gặp nhau dưới đó sau khi anh đã xong việc ở Mang Giang rồi cùng ra Duy Xuyên.
Tôi đổi xe lúc 7h tối ở Nha Trang, xe chạy suốt đêm và thả tôi xuống Tam Kỳ lúc 6h30 sáng ngày 2/8/2006, thuê xe ôm về trụ sở Hội Văn nghệ Quảng Nam ở nhờ.
Tôi thổ lộ với anh Nguyễn Bá Thâm – Phó Chủ tịch thường trực Hội, mục đích của chuyến về lại Đất Quảng lần này, và chuyện này tôi cũng chỉ nói riêng với Thâm, trong gia đình tôi cũng chỉ nói riêng với Thục, vợ tôi, trước khi đi, ngoài ra không ai biết cả, bởi trong lòng hầu như không còn hy vọng, nói ra lại khiến mọi người trông chờ phấp phỏng, điều mà tôi không muốn.
Tối 2/8, tôi gọi điện cho anh Ba. Anh báo tin: Đã tìm được hài cốt liệt sĩ ở Mang Giang, ngày mai sẽ đi theo đường Ngọc Hồi (Kontum) ra Phước Sơn rồi xuống Tam Kỳ.
Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau ở Tam Kỳ vào ngày mai. Sáng 3/8, tôi thầm tính: Anh Ba đi từ Mang Giang vòng ra Phước Sơn, chắc cũng phải trưa hoặc đầu buổi chiều mới tới Tam Kỳ.
Tính vậy, bèn mượn Nguyễn Bá Thâm chiếc xe máy phóng ra Duy Thành (Duy Xuyên) để thắp hương khấn Quý và nói chuyện trước với vợ chồng Võ Bắc, nhờ Bắc giúp thuê sẵn người chuẩn bị hôm sau (4/8) sẽ đào tìm. Tôi dự liệu việc đào tìm cũng phải vài ba ngày. Tính vậy nên đi người không, trưa sẽ trở lại có mặt ở Tam Kỳ để đón anh Ba.
Nhưng sự việc diễn tiến vượt ngoài mọi dự liệu. Khoảng mười giờ kém, tôi nhận được điện thoại của anh Ba. Anh hỏi: Anh đang ở đâu? Tôi đang trên đường ra Duy Xuyên. Anh đang ở đâu? Chúng tôi đang đi trên đường số 1, đã gần tới Thăng Bình.
Lúc ấy tôi đang dừng xe cách thị trấn Hà Lam huyện lỵ huyện Thăng Bình khoảng hơn 1km, bèn dặn ngay anh Ba: Vậy tôi chờ các anh ở bưu điện Thăng Bình ngay bên đường số 1 chỗ góc ngã tư Hà Lam rồi ta cùng ra Duy Xuyên.
Mười lăm phút sau chúng tôi gặp nhau, tôi chỉ đường cho người lái xe rồi hướng dẫn ra Duy Xuyên, xuống thẳng Duy Thành. Xe đậu ngoài đường cái, gia đình anh Thanh cùng anh Mai ngồi lại trên xe, tôi chở anh Ba bằng xe máy vào thôn Thi Thại. Lúc ấy khoảng 10h30.
Anh Ba đứng trước bia tưởng niệm Quý, đọc văn bia, nhìn quanh bốn phía xem xét địa hình, hỏi lại tôi một lần nữa các chi tiết diễn biến trước giây phút cuối của Quý trong đêm 8/3/1969, bảo tôi chỉ trên thực địa vị trí tìm thấy tấm dù, vị trí bờ tre và giao thông hào xưa kia như thế nào.
Anh cũng hỏi Võ Bắc về địa hình mà Bắc thấy từ khi về ở trên khuôn viên này. Yên lặng một lát, anh Ba bảo: Tôi nghĩ là ở hướng này ! Anh khoát tay chỉ về hướng tây bắc, tính từ vị trí đứng quay mặt vào bia tưởng niệm (bia dựng quay về hướng bắc).
Rồi anh đi về hướng anh vừa chỉ đó, qua cạnh giếng xây, gần bên cây rơm và chuồng bò, qua bụi chuối xuống vườn bắp, vòng qua vòng lại một chặp, trở về trước sân, bảo: Chiều, hai giờ mình làm.
Tôi dặn Bắc thuê giúp người đào, anh Ba bảo: Không cần nhiều đâu, hai người thôi. Bắc nói: Vậy đã có cháu đây, kêu thêm một người nữa thôi. Anh Ba dặn mua ít trái cây, tôi nói Hảo vợ Bắc mua giùm luôn.
Tôi đèo anh Ba trở ra đường cái chỗ xe đậu rồi cùng vợ chồng anh Thanh và cựu đại tá Mai lên một quán cơm trên đường số 1 ăn trưa. Ăn xong mới hơn 12 giờ.
Thấy còn sớm, vợ chồng anh Thanh cũng nóng lòng muốn lên phía tây Duy Xuyên, nơi anh có người anh ruột hy sinh tháng 11/1967, trong giấy báo tử ghi là xã Xuyên Mỹ. Tôi hỏi anh chủ quán cơm: Xuyên Mỹ ngày xưa giờ gọi là Duy gì, thì được cho biết là Duy An.
Trao đổi ý kiến một lát, vợ chồng anh Thanh nhất trí buổi chiều nay anh Ba tập trung tìm kiếm ở Thi Thại, và anh Ba quyết định vào việc sớm, không đợi đến 2 giờ. Chúng tôi trở lại Thi Thại lúc 12h30. Anh Ba đặt đĩa trái cây trước bia tưởng niệm, bảo tôi thắp hương khấn. Thắp xong ba nén hương, tôi khấn:
“Quý ơi, hôm nay có anh Đặng Xuân Ba cùng về đây giúp anh cố tìm em một lần nữa, em linh thiêng hãy cho anh lần này được thấy em, nếu em cho thấy, thì xin cho âm dương”.
Anh Ba hướng dẫn tôi cách cầm và gieo hai đồng tiền cổ trên chiếc đĩa sắt tráng men.Tôi gieo hai lần đều không được âm dương. Bỗng thấy một bàn tay đặt nhẹ trên vai trái, tôi ngoảnh sang, thì ra anh Mai, anh ghé tai tôi bảo nhỏ: Ông quì xuống đã rồi hãy xin. Tôi quì xuống. Bao lâu nay khi cúng giỗ trong nhà hay mỗi lần về đây thắp hương tưởng niệm Quý, tôi chỉ đứng vái rồi cúi xuống cắm hương. Đây là lần đầu tiên tôi quì. Tôi gieo lần thứ ba. Hai đồng tiền hiện ra âm dương.
Anh Ba dẫn tôi đi lên hướng tây bắc cách bia tưởng niệm khoảng 25m, cạnh một bụi chuối chỗ góc vườn bắp, bảo tôi thắp hương và gieo xin âm dương. Tôi gieo và được ngay âm dương.
Anh Ba bảo tôi cắm hương chỗ đó, và anh lấy một que tre cắm làm mốc cách ba nén hương độ hơn gang tay. Xem đồng hồ, anh bảo: Bây giờ 1 giờ kém mười lăm, để 1 giờ mình đào. Chúng tôi vào nhà uống nước trò chuyện một lát đến 1 giờ thì trở ra vị trí ấy.
Nhưng khi Võ Bắc và cháu Nam (gọi Bắc là cậu ruột) sắp động thổ thì anh Ba bảo khoan hãy đào. Anh đứng yên lặng một lát rồi bước đi khoảng hơn 2 m chếch về hướng tây bắc ra rìa bên ngoài vườn bắp và chỉ xuống chân: Đây, đào chỗ này!
Anh bảo tôi đứng thay vào chỗ anh, chỉ tay xuống đất để anh chụp ảnh, rồi lấy xẻng chấn một khuôn hình chữ nhật 2m x 0,70m. Bắc và Nam bắt đầu đào. Ban đầu là lớp đất mượn. Khoảng hơn nửa tiếng sau, hết lớp đất mượn, ở độ sâu hơn 1m, Bắc đưa lên cho anh Ba một mẩu gì đó màu nâu hồng cỡ bằng ngón tay út: Hình như là xương chú ạ.
Anh Ba cầm lấy, nhìn, và bảo: Đúng, xương.Anh đưa tôi coi. Tôi cầm lấy coi, chỉ biết vậy, chưa hiểu thế nào, khẽ hỏi anh Ba: “Sao lại màu nâu hồng anh nhỉ ?”. Anh bảo: “Ở trong đất lâu năm, nó màu như vậy”. Bắc và Nam vẫn tiếp tục đào. Độ hơn 5 phút sau, nhát xẻng của Bắc lật ra một vật gì sáng sáng.
Bắc nhặt lên đưa anh Ba: Hình như cái kẹp tóc, chú à. Anh Ba cầm lấy coi, bảo: Đúng, cái kẹp tóc. Anh lau sạch đất bám trên mặt chiếc cặp bằng đuy-ra, thấy hiện ra hình ngôi sao ở chính giữa, hai bên là hình hoa mai nối tiếp hình trái tim.
Anh gỡ lớp đất bám dày ở mặt sau, thấy lộ ra hai cọng giây thép đã rỉ, bên dưới là một lớp nhựa đệm màu nâu xỉn. Anh dùng ngón tay khơi nhẹ lớp nhựa đã mục, gãy một miếng nhỏ. Anh khơi tiếp. Gãy một miếng lớn hơn.Và…
Trước mắt tôi, trên mặt sau chiếc cặp là hai chữ X Quý. Bên dưới là chữ EI. Anh Ba khều hết lớp nhựa, thấy hai chữ TẶNG CHỊ trước hai chữ X QUÝ.
EI
Anh Ba trao chiếc cặp tóc cho tôi. Tôi nhìn dòng chữ có thật đó trên tay mà ngỡ như mình đang trong chiêm bao. Tất cả đều khắc kiểu chữ in, riêng chữ x khắc kiểu chữ thường, như một cánh hoa. Khắc bằng cách dùng vật nhọn, một mũi dao găm chẳng hạn, ấn mạnh xuống từng chấm sâu nối nhau tạo thành chữ.Tôi nghĩ EI chắc là trung đoàn 1.
Chắc một chiến sĩ nào đó của trung đoàn 1 (thuộc sư đoàn 2 Quân khu 5) đã tặng Quý (hôm sau tôi điện hỏi anh Nguyên Ngọc, được anh cho biết thời gian cuối 1968 đầu 1969, có các đơn vị của trung đoàn 1 đứng chân ở Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên).
Điều không thể đã thành có thể. Tôi đã tìm thấy Quý.
Mấy phút sau Bắc nhặt đưa lên hai chiếc khuy áo nhỏ xíu màu xanh lá cây, trên mặt khuy có chữ LEVIS. Rồi tiếp tục đưa lên các mẩu xương lớn hơn. Anh Ba chỉ cho tôi thấy, và bảo, như vậy là đầy đủ tứ chi và một mảnh xương sọ.
Quả thật tôi đã tìm thấy Quý.
Tôi nhìn đồng hồ: 13h50. Từ lúc động thổ đến lúc thấy, không đầy 50 phút. Khoảng gần 9h đêm 8/3/1969 Quý ngã xuống trên mảnh đất này. 2 giờ kém 10 chiều nay, 3/8/2006, sau 37 năm, tôi tìm thấy Quý. Không phải là ngày mai, 4/8, như tôi dự liệu, mà là hôm nay – 3/8/2006.
8/3 – 3/8. Thật lạ, tôi thầm nghĩ.
Lúc này tôi mới gọi điện báo tin cho gia đình, cho Nguyễn Bá Thâm, người luôn có mặt cùng tôi từ cuộc tìm kiếm đầu tiên năm 1983 tới nay. Thâm báo tin lại: Nửa tiếng nữa sẽ có mặt cùng anh chị em Đài truyền hình Quảng Nam và phóng viên Trung Việt của báo Tiền Phong.
Anh Ba hốt hết đất chỗ Quý nằm có màu khác với đất chung quanh, chắc là đã thấm hết trong đó toàn bộ phần còn lại của di hài Quý, chuyển lên tấm vải liệm trắng, trải một lớp dày, đặt trên đó các mẩu xương theo vị trí thân thể, và liệm. Tôi đặt Quý vào chiếc tiểu sành mà cháu Chính (anh rể của Võ Bắc) mua giúp vừa kịp mang về đúng lúc.Tôi đắp cho Quý một lá cờ đỏ sao vàng và đậy nắp tiểu.
Sau khi gọi điện trao đổi ý kiến thống nhất với gia đình, được sự đón nhận của vợ chồng Võ Bắc, tôi cùng hai cháu Bắc, Chính, hai người luôn có mặt với tôi trong các cuộc tìm kiếm từ năm 1995 tới nay, tiến hành cải táng cho Quý ngay sau bia tưởng niệm, nơi từ khi Quý ngã xuống đã thành một địa chỉ tâm linh của tôi.Và của cả bao người.
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên…
(Theo: Nhà thơ Bùi Minh Quốc) Tiền Phong Online
TAMTHUC
Comment