nguoi-vo-trung-trinh-cua-tiet-nhan-quy-nam-mon-moi-cho-chong-tong-quan-tro-ve
Người vợ trung trinh của Tiết Nhân Quý, 18 năm mòn mỏi chờ chồng tòng quân trở về
- bởi tamthuc --
- 14/04/2018
Câu chuyện nàng Vương Bảo Xuyến một lòng trung trinh, giữ gìn tiết hạnh chờ chồng suốt 18 năm ròng được lưu truyền qua các thời đại, khiến người đời khen ngợi mãi không thôi.
Ở vùng lân cận của tháp Đại Nhạn, vùng Khúc Giang, tỉnh Tây An, có một thôn làng tên là Ngũ Điển. Phía tây làng Ngũ Điển là một nhà hầm cũ rách, trên đó đề ba chữ: “Cổ Hàn Diêu” (古寒窑). Tương truyền hang động này chính là nơi mà nàng Vương Bảo Xuyến mòn mỏi chờ đợi chồng suốt 18 năm tòng quân trở về. Trong hoàn cảnh nghèo khổ và cô đơn lạnh lẽo, lòng kiên định và trung trinh của nàng đã được lưu truyền khắp dân gian, khiến rất nhiều người tán thán không thôi.
Câu chuyện nàng Vương Bảo Xuyến gieo tú cầu chọn chồng
Vương Bảo Xuyến là nhân vật truyền kỳ trong dân gian, nguyên mẫu của nàng là ai, trước nay luôn có nhiều cách nói khác nhau. Tuy nhiên rất nhiều người cho rằng, Vương Bảo Xuyến là Liễu Ngân Hoàn (hoặc Kim Hoa, Anh Hoàn, Nghênh Xuân), vợ của Tiết Nhân Quý, đại tướng quân dưới triều nhà Đường.
Nàng Vương Bảo Xuyến xuất thân trong một gia đình giàu sang phú quý, từ nhỏ đã thông minh lại am hiểu lễ tiết, thờ phụng song thân hết lòng hết dạ. Khi nàng đến tuổi cập kê, cha nàng quyết định tổ chức buổi lễ ném tú cầu kén rể.
Dung mạo và đức hạnh của Vương Bảo Xuyến nổi tiếng khắp xa gần trong thành, được người người mến mộ. Vậy nên khi nghi thức ném tú cầu kén rể vừa mới bắt đầu, tất cả các bậc công tử quý tộc gần xa đều đến tham dự. Cha mẹ của nàng Bảo Xuyến hồi hộp chờ đợi thời khắc quyết định cuộc đời con gái mình… Nhưng vì trước đó, nàng đã gặp được một chàng trai trẻ tên là Tiết Nhân Quý, nên cả trái tim nàng chỉ dành trọn cho chàng.
Khi hai người tình cờ gặp nhau lần đầu, đức độ và tài năng phi phàm của Tiết Nhân Quý đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nàng. Tuy Tiết Nhân Quý chỉ là nam nhi áo vải, xuất thân cơ hàn, nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ và ngắn ngủi giữa hai người đã cho thấy chàng là bậc quân tử võ nghệ cao cường, là trang nam nhi hào hiệp trượng nghĩa.
Điều khiến nàng cảm động nhất là tấm lòng nhân từ chất phác đối đãi với người của chàng. Còn về Tiết Nhân Quý, cũng trong lần đầu gặp gỡ ấy, chàng đã cảm thấy vị tiểu thư này không chỉ có dung mạo xinh đẹp, mà còn có cử chỉ ưu nhã, toát lên vẻ quý phái cao sang. Tuy vậy, khi biết nàng là thiên kim tiểu thư của gia tộc họ Vương giàu có nhất nhì trong vùng, trong lòng chàng không khỏi buồn bã. Chàng tự hỏi, một thư sinh tầm thường như chàng sao có thể môn đăng hộ đối với gia tộc họ Vương cho được?
Vương Bảo Xuyến nhìn vào nhân phẩm mà chọn người chí hướng cao xa
Nhưng Vương Bảo Xuyến lại xem trọng tài hoa và nhân phẩm, tin rằng chàng chính là trang nam tử để nàng gửi gắm cả cuộc đời. Trong buổi lễ kén chồng, nàng đem tú cầu ném về phía Tiết Nhân Quý.
Kết quả gieo tú cầu đã khiến phụ thân của Bảo Xuyến nổi giận. Đường đường là nữ tử bảo bối của mình, sao lại có thể gả cho một kẻ gia cảnh bần hàn, nghèo rớt mùng tơi như vậy được? Chuyện này mà đồn ra ngoài, mặt mũi của Vương lão gia biết giấu ở đâu! Người cha trọng phú khinh bần của nàng làm sao có thể chịu được nỗi nhục, vậy nên ông kiên quyết phản đối hôn sự này. Nhưng Vương Bảo Xuyến lại một lòng kiên định với lựa chọn của mình, khiến cha nàng trong lúc tức giận đã từ mặt con gái.
Tiết Nhân Quý vốn là cháu sáu đời của Tiết An Đô – tướng lĩnh đời Bắc Ngụy, ông nội là Tiết Diễn, làm Trung đại phu thời Bắc Chu, cha là Tiết Quỹ, làm quan cho nhà Tùy. Tuy vậy, khi Tiết Nhân Quý còn nhỏ, cha chàng mất sớm, gia cảnh sa sút, chàng đành phải sống bằng nghề cày ruộng. Tuy gia cảnh bần hàn, nhưng từ nhỏ chàng đã có hoài bão cao xa, đọc nhiều thi thư, khổ luyện võ công, chờ đợi một ngày sẽ có đất dụng võ.
Sau khi Tiết Nhân Quý và Vương Bảo Xuyến thành thân, cả hai không nhận được bất cứ của hồi môn nào, lại không có tư trang áo đẹp, phải ở trong một căn nhà hầm sống những ngày bình yên, giản dị. Tuy vậy, người vợ trẻ biết được hoài bão lớn lao của chồng, đã động viên chàng lên kinh thành tham gia thi cử, mong chàng có thể thực hiện được nguyện vọng của mình, không phụ mọi cố gắng thời trai trẻ.
Tiết Nhân Quý không sợ chinh chiến sa trường, nhưng cũng không nỡ để lại người vợ một thân một mình nơi quê nhà. Bảo Xuyến rất hiểu đại nghĩa, nàng làm mọi cách để chồng yên tâm về hoàn cảnh của mình, chỉ mong chàng có thể phấn chấn tinh thần, thực hiện lý tưởng tận trung báo quốc. Chí hướng kiên quyết của vợ cuối cùng khiến Tiết Nhân Quý có đủ can đảm, yên tâm rời khỏi quê nhà, tham gia ứng thí.
Tiết tướng quân khải hoàn trở về, nghênh đón người vợ trung trinh
Quả nhiên, Tiết Nhân Quý trong khoa thi đã biểu hiện rất xuất sắc, sau chàng lại gia nhập đội quân chinh chiến nơi sa trường. Chàng kiêu dũng thiện chiến, nhiều lần lập được kỳ công. Trong lúc đất nước đang nguy nan, chàng đã can đảm đứng ra đánh lui quân địch, được Đường Thái Tông tán thưởng.
Sau khi Thái Tông chinh phạt Cao Câu Ly trở về, ngài đã khen ngợi Tiết Nhân Quý rằng: “Các tướng cũ của trẫm đều đã cao niên, không thể gánh vác ký thác nơi sa trường. Mỗi lần cần chọn bậc kiêu hùng, không ai được như khanh. Trẫm không vui vì được Liêu Đông, mà vui vì có được khanh vậy”. Sau chàng được thăng lên làm Hữu lệnh quân Trung lang tướng, trấn thủ Huyền Vũ môn.
Trong khi Tiết Nhân Quý rong ruổi sa trường, Vương Bảo Xuyến một mình ở trong căn nhà hầm lạnh lẽo. Lúc đầu, nàng còn thỉnh thoảng nghe được tin tức của chồng, nhưng một đoạn thời gian rất dài sau đó, nàng đã mất hết mọi liên lạc với chàng. Đau khổ nhất là những ngày trời đông tuyết phủ, một thân một mình vùng vẫy mưu sinh.
Thời gian mười mấy năm dài đằng đẵng, nhưng nàng vẫn một niềm tin son sắt rằng: Chàng không quên nàng, một ngày nào đó, chàng nhất định sẽ trở về. Có những lúc, mẹ nàng len lén đến thăm, mang theo một chút thức ăn và tiền bạc cần thiết. Bà cũng thử tìm mọi cách thuyết phục con gái từ bỏ việc chờ đợi, về lại nhà mẹ, nhưng nàng nhất mực cự tuyệt. Cứ như thế, nàng đã trải qua năm này sang năm khác, người vợ trẻ năm nào vẫn một lòng khẩn thiết chờ chồng trở về.
Trong một ngày trời đông giá rét, tuyết rơi lả tả, Tiết tướng quân cuối cùng đã quay trở về, chàng thiếu niên nghèo khổ năm nào giờ đã trở thành một đại tướng quân lập nhiều chiến công hiển hách. Tấm lòng kiên định và trung trinh tiết liệt của vợ, cuối cùng đã chờ đợi được ngày đoàn tụ này.
Câu chuyện kinh điển trên từng được lưu truyền rộng rãi nơi dân gian, về sau đã được biên soạn thành các vở kịch, thông qua diễn dịch khác nhau truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tấm lòng vô tư, dũng cảm, kiên định, trung trinh của nhân vật nữ chính mãi là hình ảnh thu nhỏ của tất cả mỹ đức tốt đẹp của người phụ nữ truyền thống Á Đông.
Theo Secretchina
Phi Long biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-vo-trung-trinh-cua-tiet-nhan-quy-18-nam-mon-moi-cho-chong-tong-quan-tro-ve..html
Comment