No icon

hau-het-thuoc-dieu-tri-ung-thu-moi-deu-dat-tien-va-vo-dung

Hầu hết thuốc điều trị ung thư mới đều đắt tiền và vô dụng

Các bệnh nhân, những người ủng hộ cho đến các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc đang ngày càng trở nên thất vọng khi mà những loại thuốc điều trị ung thư đắt đỏ thực tế có rất ít tác dụng đối với việc kéo dài sự sống.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Thuốc điều trị ung thư có thật sự hiệu quả?

Theo Kaiser Health News, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, 72 phương thuốc điều trị ung thư được phê duyệt từ năm 2002 đến 2014 chỉ kéo dài cơ hội sống thêm 2,1 tháng so với các loại thuốc cũ. Và có tới ⅔ trong tổng số các loại thuốc điều trị ung thư phê chuẩn trong vòng 2 năm qua không đưa ra được bằng chứng nào chứng minh cho việc nó có thể kéo dài sự sống.

Trong một nghiên cứu hồi tháng 11/2016 trên tạp chí Y khoa JAMA, nhà nghiên cứu Diana Zuckerman đã khảo sát 18 loại thuốc ung thư đã được phê duyệt và kết quả là chúng không hề giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Chỉ có một trường hợp cho thấy cuộc sống của bệnh nhân có cải thiện đôi chút, chẳng hạn như làm giảm nhẹ cơn đau và sự mệt mỏi.

Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ đã đặt mục tiêu cho các loại thuốc ung thư mới phải có thể kéo dài tuổi thọ hoặc kiểm soát khối u ít nhất 2,5 tháng. Tiến sĩ Sham Mailankody, bác sỹ chuyên khoa u tủy sống tại Memorial Sloan Kettering, cho rằng tiêu chuẩn này là tương đối thấp. Thế nhưng, một nghiên cứu đăng tải trên JAMA Oncology hồi tháng 9/2016, Mailankody đã cho thấy chỉ có 5 loại thuốc được phê duyệt từ 2014 đến 2016 đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Thêm vào đó, những loại thuốc này không chỉ mức giá cao hơn, mà dường như những tác dụng phụ mà chúng gây ra cũng nhiều hơn. Tính bình quân mức giá các loại thuốc ung thư được phê duyệt năm 2016, một bệnh nhân điều trị ung thư một năm sẽ tiêu tốn khoảng 171.000 USD (~3,9 tỷ đồng). Mức giá đắt đỏ như vậy cũng không hề cải thiện được tác dụng phụ của thuốc. Ví dụ, trong số các bệnh nhân ung thư tuyến giáp sử dụng loại thuốc đắt tiền nhất là cabozantinibt (cabo), đã có quá nhiều người báo cáo về việc bị mắc các tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, kiệt sức và khó ghi nhớ các sự việc.

Tiến sỹ Richard Schilsky, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Y tế tại Khoa Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ cho biết: “Bệnh nhân của chúng tôi cần các loại thuốc hữu ích nhất có thể ở mọi phương diện, nhất là khi tính đến chi phí.” Ông nói thêm: “Và hẳn là các bạn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi xem giá trị thực sự của một liệu pháp là gì, khi mà nó không mang lại nhiều hiệu quả, tính độc hại thì chẳng kém gì loại thuốc sử dụng trước đó, trong khi chi phí lại cao hơn.”

(Ảnh:Shutterstock)
Thuốc trị liệu ung thư dù đắt tiền nhưng vẫn không giảm được tác dụng phụ (Ảnh:Shutterstock)

Giảm ngắn quy trình kiểm tra không đánh giá đúng được hiệu quả của thuốc

Bệnh ung thư thường phát triển chậm, do đó phải mất nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm mới đánh giá được hiệu quả của một loại thuốc trị liệu. Nhưng điều đáng nói là khi phương thuốc này được nghiên cứu xong, không có nhiều người sẵn sàng tham gia thử nghiệm lâm sàng. Do đó, quá trình thử nghiệm có thể sẽ khép lại sớm khi chưa thấy hiệu quả rõ ràng.

Không những thế, hiện nhiều nhà sản xuất cũng đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và quy trình phê chuẩn đưa vào sử dụng một phương thuốc mới. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và các nhà sản xuất thuốc muốn đưa các loại thuốc mới nhanh tới tay người dùng hơn, nhưng nếu quy trình thử nghiệm thời gian ngắn có thể sẽ không đủ để đánh giá hết chi phí, hiệu quả hay đưa ra kết quả rõ ràng.

Năm 2011, Avastin, một loại thuốc điều trị ung thư vú được FDA phê chuẩn vào năm 2008, đã bị loại đưa ra khỏi danh sách này, sau khi các nghiên cứu xác nhận rằng nó không có tác dụng cải thiện sự sống. Thậm chí, nó còn gây ra những tác dụng phụ đe dọa tính mạng như gây nhồi máu cơ tim và huyết áp cao.

Một vấn đề khác là làm sao có thể đánh giá chính xác lợi ích mà một phương thuốc điều trị ung thư mang lại. Những trường hợp cá biệt bệnh nhân có thể kéo dài sự sống lâu hơn, thậm chí suốt nhiều năm phải được xem xét trong tổng thể tỷ lệ kéo dài sự sống ở các ca sử dụng phương thuốc trị liệu đó. Thêm vào đó, một số nhà sản xuất thuốc còn cho rằng, việc giảm thiểu khối u hay làm nó ổn định hơn có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống, mà không nhất thiết phải kéo dài sự sống.

Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng điều đó là chưa đủ, đặc biệt là khi xét đến vấn đề chi phí hay những tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc ngăn chặn ung thư. Bà Diana Zuckerman, chủ tịch Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Sức khỏe Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tạo nên một hệ thống, mà trong đó thuốc men dù không có tác dụng gì vẫn được bán với mức giá cắt cổ.”

Theo Arstechnica
An Nhiên

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/suc-khoe/109861hau-het-thuoc-dieu-tri-ung-thu-moi-deu-dat-tien-va-vo-dung.html

Comment