No icon

quan-niem-tri-benh-doc-dao-trong-dong-y-tao-loi-thoat-cho-benh-rut-lui

Quan niệm trị bệnh độc đáo trong Đông y: Tạo lối thoát cho bệnh rút lui

Đông y quan niệm, khi có bệnh trong người, giống như có con chuột lọt vào trong bếp, gậm nhấm thức ăn. Trị bệnh cũng tựa như đuổi chuột, tốt nhất là nên đưa nó ra ngoài cơ thể một cách nhanh chóng nhất có thể.

Bản chất của bệnh tật là gì? Trong các thời kỳ khác nhau, ở trong nước cũng như ngoài nước, đối với câu hỏi đó, có nhiều cách định nghĩa, lý giải khác nhau.

Tuy nhiên, có một điểm mà tất cả đều cùng thừa nhận, đó là: khi mắc bệnh, trong cơ thể bệnh nhân nhất định phải tồn tại tác nhân có hại; từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào, hoặc sinh ra ngay ở bên trong cơ thể (nội sinh). Tác nhân đó gọi là “bệnh tà”, “bệnh độc”, hay nôm na là một thứ “chất lạ” – không phải là sản phẩm bình thường của quá trình hoạt động sinh lý.

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Thí dụ, để xác định xem một phụ nữ mang thai, có mắc bệnh nhiễm độc thai nghén hay không, người ta sẽ kiểm tra lượng ketone trong máu và trong nước tiểu. Nếu như lượng ketone lớn hơn bình thường, kết hợp với các triệu chứng lâm sàng, sẽ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.

Hay như, để xác định người bệnh có bị hôn mê gan hay không, có thể tiến hành kiểm tra máu; nếu hàm lượng amonia trong máu (blood amonia) quá cao, kết hợp với các triệu chứng lâm sàng, có thể đưa ra kết luận chẩn đoán về bệnh hôn mê gan.

Hiện nay, đối với rất nhiều chứng bệnh, tuy y học vẫn chưa thể nhận diện chính xác được tất cả các loại “bệnh tà”. Nhưng người ta vẫn cho rằng, đã bị mắc bệnh, trong cơ thể bệnh nhân tất nhiên phải tồn tại tác nhân gây bệnh, phải có “bệnh tà”. Do đó, từ xưa đến nay, trong tất cả các nền y học, loại trừ “bệnh tà” khỏi cơ thể, luôn là khâu quan trọng nhất trong điều trị các loại bệnh tật.

“Bệnh tà” xâm phạm vào cơ thể gây bệnh, giống như có con chuột lọt vào trong bếp, gậm nhấm thức ăn. Đóng kín cửa lại mà đuổi đánh, chuột sẽ chạy lung tung, vỡ hết bát đĩa; hoặc chuột bị chết thối sẽ gây ô nhiễm cả môi trường.

Khi tiến hành chữa trị bệnh tật trên lâm sàng, để khu trừ “bệnh tà” ra khỏi cơ thể, từ xưa Đông y luôn chú ý tới vấn đề tạo ra lối thoát để “bệnh tà” có đường rút lui. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, làm như vậy bệnh thường khỏi nhanh, đồng thời tránh được tình trạng “bệnh tà” bị đọng lại bên trong cơ thể và trở thành nguyên nhân thứ phát của các bệnh khác.

Ý tưởng “tạo lối thoát cho bệnh rút lui” tuy đơn giản, nhưng được ứng dụng rất rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị bệnh tật trên lâm sàng.

Phát hãn giải cảm

(ảnh: Corbis)
(ảnh: Corbis)

Trước hết, hãy lấy việc chữa cảm lạnh làm ví dụ.

Cảm lạnh, trong Đông y gọi là “ngoại cảm phong hàn”, biểu hiện bởi các chứng trạng chủ yếu: Phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau mình mẩy, không ra mồ hôi, tắc mũi, mũi chảy nước trong, ho…

Để chữa trị, trường hợp bệnh nhẹ, chỉ cần uống bát nước gừng nóng, rồi đắp chăn nằm nghỉ, cho mồ hôi tiết ra khắp người, là lập tức đã thấy dễ chịu.

Trường hợp cảm lạnh nặng, có thể thêm tía tô, kinh giới, bạch chỉ… cùng sắc uống, hoặc dùng bài thuốc “Ma hoàng thang”; còn đối với những người cơ thể vốn suy yếu, hay vã mồ hôi, thì có thể sử dụng bài thuốc “Quế chi thang”…

Tất cả các trường hợp trên, đều sử dụng biện pháp “phát hãn” – nghĩa là làm ra mồ hôi, để “bệnh tà” theo mồ hôi thoát ra bên ngoài.

Thực tế cho thấy, khi bị cảm lạnh, nếu tiến hành “phát hãn” kịp thời, bệnh tình thường thuyên giảm rất nhanh.  Ngược lại, nếu không chú trọng đến vấn đề tạo lối thoát cho bệnh rút lui, lại sử dụng những vị thuốc “chỉ thống” (tác dụng giảm đau) để chữa đau đầu và đau mình mẩy; hoặc dùng những vị thuốc có tác dụng “thanh nhiệt tả hỏa” để chữa sốt… thì không những khó chữa khỏi bệnh, mà còn có thể khiến cho bệnh kéo dài, phát sinh biến chứng…

>> Cảm cúm khác gì cảm lạnh? Điều trị thế nào?

Viêm gan vàng da, kiết lỵ

Một ví dụ khác, là chữa bệnh viêm gan truyền nhiễm thể vàng da, biểu hiện bởi các triệu chứng: Da vàng, mắt vàng, phát sốt, lợm giọng buồn nôn, tiểu tiện ít, đại tiện phân khô sắc trắng.

Viêm gan vàng da tương ứng với thể “dương hoàng” trong chứng bệnh “hoàng đản” của Đông y học. Nguyên nhân gây bệnh, theo Đông y, là “thấp nhiệt” hun đốt ở bên trong mà sinh ra bệnh. Để chữa trị, cần sử dụng những thứ thuốc có tác dụng thanh lợi tiểu tiện, thông đại tiện, để bệnh tà “thấp nhiệt” theo nước tiểu và phân thoát ra ngoài.

Kinh nghiệm cho thấy, sau khi uống thuốc, bệnh nhân bắt đầu đi tiểu tiện nhiều lần, lượng nước tiểu nhiều và có mầu vàng thẫm, đại tiện phân lỏng và màu trắng chuyển sang màu vàng. Người chưa có kinh nghiệm, không hiểu vấn đề, thấy như vậy sẽ nghĩ là bệnh đang nặng thêm.

Thực ra, đó là “bệnh tà” “thấp nhiệt” đã theo đường nước tiểu và phân, thoát ra bên ngoài. Nên sau đó, hiện tượng vàng da, cùng các triệu chứng khác cũng giảm đi dần.

Một ví dụ tương tự là chữa bệnh đi lỵ (lỵ tật). Người mắc bệnh lỵ mỗi ngày bị đau bụng, đi ngoài nhiều lần, cùng hội chứng “lý cấp hậu trọng”. Khi chưa đại tiện thì bụng đau quặn, như muốn vãi ra ngay, gọi là “lý cấp” (bên trong cấp bách). Khi đại tiện thì gấp vội, phân không ra hết, đi xong vẫn muốn đi tiếp, giang môn cảm giác nặng, xệ xuống, khó chịu, gọi là “hậu trọng” (nặng nề, khó chịu sau khi đi đại tiện).

Theo lẽ thông thường, bị tiêu chảy thì phải dùng loại thuốc “chỉ tả” (cầm tiêu chảy) để chữa. Nhưng thực ra, trên lâm sàng không thể chữa đơn thuần như vậy. Để chữa bệnh lỵ, Đông y phân chia bệnh thành nhiều “chứng hình” (thể bệnh), với mỗi thể bệnh cần sử dụng phép chữa, phương thuốc khác nhau. Đối với trường hợp đi lỵ do “thấp nhiệt”, Đông y cũng sử dụng những thuốc “tả hạ” (thông đại tiện, tẩy). Bệnh cũng thường thuyên giảm rất nhanh, do “tà độc” đã cùng phân, theo con đường đại tiện thoát ra bệnh ngoài.

Mang thai ngoài tử cung – Bệnh nan y

Đặc biệt, ý tưởng “tạo lối thoát cho bệnh rút lui” còn có thể áp dụng cho cả một số chứng bệnh thuộc loại nan y, ví dụ như chửa ngoài tử cung.

Thông thường, sau khi các chứng trạng của giai đoạn cấp tính đã được khống chế, trong khoang chậu vẫn còn có một số huyết khối ứ đọng, nên người bệnh thường cảm thấy trướng đau ở khu vực bụng dưới. Những khối huyết ứ đọng lâu ngày ở bên trong, rất khó tiêu trừ; để càng lâu càng khó chữa trị, nên chửa ngoài tử cung được liệt vào loại bệnh nan y.

Những năm gần đây, một số cơ sở Đông y đã tiến hành thử nghiệm sử dụng loại thuốc có tác dụng “hoạt huyết hóa ứ”, để tống khứ các khối huyết ứ ra ngoài. Sau một thời gian sử dụng thuốc, những khối huyết ứ lớn sẽ vỡ ra thành những khối nhỏ và được tống ra ngoài; sau đó triệu chứng đau tức cũng giảm bớt và bệnh khỏi dần. Đây cũng là một sự tìm tòi mới, để lợi dụng ý tưởng “tạo lối thoát cho bệnh rút lui” trong chữa trị các chứng nan y.

TAMTHUC

Châm cứu và phương pháp dân gian

Trong khoa châm cứu, ý tưởng “tạo lối thoát cho bệnh rút lui” cũng được ứng dụng rất rộng rãi. Trong các loại kim châm cứu, có một loại kim to, có ba cạnh sắc, gọi là kim tam lăng, chuyên dùng để châm cho chảy máu trên các huyệt vị.

Trường hợp đau đầu do sung huyết, dùng kim tam lăng châm lên các huyệt thái dương và ấn đường, cho máu chảy ra, thường khiến hiện tượng đau đầu tan biến ngay.

Thời xưa, khi chữa chứng hoắc loạn thổ tả (tiêu chảy miệng nôn chôn tháo), y gia cũng thường dùng kim tam lăng châm vào các huyệt ủy trung và thừa sơn, rồi nặn cho máu đen chảy ra.

Lý luận và phương pháp chữa bệnh của Đông y bắt nguồn từ những kinh nghiệm thực tế dân gian. Rất nhiều phương pháp chữa bệnh rẻ tiền, tiện lợi, đơn giản mà ứng nghiệm, lưu hành rộng rãi trong dân gian từ xưa đến nay, cũng phù hợp với nguyên tắc “tạo lối thoát cho bệnh rút lui”.

Thí dụ, mùa hè bị cảm nắng, chóng mặt, váng đầu, buồn nôn… dân gian thường chữa trị bằng “cạo gió”. Đó là dùng cạnh của một đồng tiền bạc hay những vật dụng có cạnh hình cung tròn và tương đối nhẵn (có thể chấm dầu ăn cho trơn để tránh làm rách da), cạo dọc lên hai bên gáy từ cổ xuống đến vai, hay cạo dọc hai bên cột sống… cho đến khi hình thành những vệt trên da (thường có màu đỏ bầm), để cho bệnh tà theo lối thoát đó mà thoát ra ngoài.

Ngoài “cạo gió”, những phương pháp chữa bệnh dân gian khác như “giật gió”, “nồi xông”… cũng là những hình thức “tạo lối thoát cho bệnh rút lui”.

Theo thucovuonnha

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/suc-khoe/quan-niem-tri-benh-doc-dao-trong-dong-y-tao-loi-thoat-cho-benh-rut-lui.html

Comment