No icon

nghien-cuu-may-say-hoi-nong-pha-vi-khuan-tro-lai-tay-ban

Nghiên cứu: Máy sấy hơi nóng phà vi khuẩn trở lại tay bạn

Rửa tay là một trong những cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tránh phát tán mầm bệnh cho người khác. Nhưng thật bất ngờ, việc sử dụng các máy sấy khô tay lại có thể xóa sạch tác dụng của phương pháp vệ sinh đơn giản mà hiệu quả này.

(ảnh qua WikiHow)

Các máy sấy khô tay bằng hơi nóng hút các vi khuẩn và bào tử vi khuẩn cứng đầu lảng vảng trong nhà vệ sinh (có thể được phát tán vào trong không khí sau quá trình xả nước bồn cầu) – rồi phả trực tiếp lên đôi bàn tay mới rửa sạch của bạn. Đây là kết luận của một nghiên cứu mới được công bố tháng 4/2018 trên Tạp chí Vi sinh vật Ứng dụng và Môi trường của Mỹ.

Các tác giả của công trình nghiên cứu này, đứng đầu là các nhà nghiên cứu thuộc đại học Connecticut, cũng phát hiện ra việc đưa thêm bộ lọc HEPA (High Efficiency Particulate Air filter, tạm dịch: bộ lọc các hạt trong không khí hiệu suất cao) vào các máy sấy khô tay có thể làm giảm tỷ lệ vi trùng vi khuẩn phả ra tới 4 lần.

Mặc dù vậy, số liệu cuối cùng cho thấy các trung tâm chăm sóc sức khỏe và cơ sở nghiên cứu bệnh truyền nhiễm nên xem xét lại việc sử dụng các máy sấy khô tay và chuyển sang dùng khăn giấy.

Sau khi nghiên cứu gây sốc này được công bố, “giấy lau tay đã được đặt ở tất cả 36 nhà vệ sinh tại khu vực nghiên cứu khoa học của trường Y đại học Connecticut, nơi tiến hành các thí nghiệm,” các tác giả cho biết.

Những phát hiện từ nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả của một số nghiên cứu khác, theo đó các máy sấy hơi nóng và máy sấy thường có thể phát tán vi khuẩn từ tay vào không khí và lên các bề mặt – biến nhà tắm thành một nơi vô cùng bẩn. Nhưng nghiên cứu mới này đã chỉ rõ rằng các máy sấy hơi nóng công suất nhỏ cũng có thể đẩy vi khuẩn lởn vởn trong phòng tắm bám lên tay bạn.

Các nhà nghiên cứu suy đoán “một trong những lý do máy sấy khô tay có thể phát tán nhiều vi khuẩn đến thế là vì nó hút vào rồi đẩy ra rất nhiều không khí, với lưu lượng khoảng 46m3/phút tại đầu ra. Quá trình đối lưu tạo ra bởi dòng khí mạnh thổi ra khỏi máy cũng có thể lưu chuyển và thu hút không khí trong phòng.”

>> Thuốc Đông y kháng khuẩn không cao, vì sao lại chữa được bệnh nhiễm trùng?

Các thử nghiệm trong toilet

Để kiểm tra lại suy đoán của mình, các nhà khoa học đã đặt nhiều đĩa chứa bột agar (một loại thức ăn của vi khuẩn) vào một vài nhà vệ sinh của trường đại học Connecticut. Họ đã chia các đĩa này làm hai nhóm. Nhóm một được đặt trong các phòng không bật máy sấy trong thời gian 2 phút. Nhóm hai được đặt cách đầu ra của máy sấy tay đang chạy một khoảng 30cm trong vòng 30 giây. Nếu có vi khuẩn dính lên đĩa, chúng sẽ bắt đầu phát triển thành các cụm nhỏ hình vòm, giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng định lượng.

Tại các nhà vệ sinh không sử dụng máy sấy, người ta đếm được trung bình từ 0 đến 1 cụm vi khuẩn dính lên trên đĩa. Khi họ kéo dài thời gian để đĩa lên 18 tiếng, con số này tăng lên lên trung bình 6 cụm một đĩa. Nhưng với nhóm những đĩa được đặt dưới máy sấy trong 30 giây, con số trung bình là từ 18 đến 60 và cao nhất lên tới 254 tùy vào từng nhà vệ sinh.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra kết luận rằng những vi khuẩn đến từ khắp nơi trong nhà vệ sinh, chứ không chỉ riêng đầu ra của máy sấy. Đó là vì khi đặt các quạt nhỏ đã tiệt trùng quanh phòng tắm rồi bố trí các đĩa bẫy vi khuẩn ở vị trí thích hợp (có tính đến tốc độ gió và thời gian đặt đĩa), các nhà khoa học cũng thu được kết quả phân bố vi khuẩn tương tự. Việc lắp đặt thêm bộ lọc HEPA vào các máy sấy giảm số lượng vi khuẩn bám lên đĩa tới 4 lần.

Một điều đặc biệt là, các phòng vệ sinh trong thử nghiệm đều nằm quanh một phòng thí nghiệm đang nghiên cứu một loại trực khuẩn cỏ khô vô hại – chủng PS533. Mặc dù trực khuẩn cỏ khô là một vi khuẩn thường xuất hiện trong môi trường, chủng trong phòng thí nghiệm này lại có khả năng kháng với kháng sinh kanamycin. Các nhà nghiên cứu đã dễ dàng phát hiện ra chúng trong các mẫu thử bằng cách nuôi những con vi khuẩn bẫy được trong môi trường có kanamycin – những cụm vị khuẩn sống sót rất có thể là PS533. Các kiểm tra sau đó đã xác nhận điều này. Kết quả cuối cùng là PS533 xuất hiện ở tất cả các nhà vệ sinh được thử nghiệm – thậm chí ở cả các nhà vệ sinh nằm không cùng trong một tòa nhà với phòng thí nghiệm.

Những luồng hơi nóng mang theo mầm bệnh

(ảnh: Alisha Vargas)

Trong thí nghiệm này, có lẽ điều đáng lo ngại nhất chính là các bào tử PS533 có thể phát tán thông qua hoạt động của máy sấy. Điều này được các nhà khoa học kiểm chứng bằng cách đặt các đĩa chứa vi khuẩn dưới nguồn nhiệt. Nhiệt độ cao sẽ giết chết các vi khuẩn đang sống nhưng lại tạo điều kiện cho các bào tử phát triển. Quả đúng như vậy, các bào tử PS533 vẫn sống và phát triển.

Từ phát hiện này, các nhà khoa học đã kết luận rằng: chính máy sấy khô tay là tác nhân phát tán bào tử lên trên các bề mặt trong nhà vệ sinh.

PS533 “gần như đã chắc chắn phát tán khắp các nhà vệ sinh trong khu vực nghiên cứu dưới dạng bào tử. Những bào tử này dễ dàng sống sót trong môi trường độ ẩm thấp cũng như nhiệt độ cao trong máy sấy tay; tuy nhiên, các vi khuẩn đang trong giai đoạn phát triển không có sức chịu đựng cao như các bào tử,” các tác giả viết.

“Tuy vậy, sự phát tán dễ dàng khắp mọi nơi của một chủng vi khuẩn trong một cơ sở nghiên cứu có lẽ sẽ gây lo ngại cho các chuyên gia đánh giá và quản lý rủi ro – điều gì sẽ xảy ra khi một chủng vi khuẩn gây bệnh có thể phát tán theo hình thức này?”

Trong bài thử nghiệm cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra một lượt các loại vi khuẩn khác mà máy sấy đã phát tán. Kết quả cho thấy dù có bộ lọc HEPA hay không, các máy sấy vẫn đều đặn phát tán các vi khuẩn gây bệnh, trong đó có cả khuẩn tụ cầu vàng.

TAMTHUC

Một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta

Theo ghi chú của nhóm tác giả, Clostridium difficile – một loại vi khuẩn gây viêm đại tràng giả mạc cứng đầu – cũng có khả năng hình thành bào tử. Các bào tử này có thể dễ dàng phát tán vào trong không khi thông qua quá trình xả nước bồn cầu. Nếu có thêm sự cộng hưởng từ máy sấy khô tay, thì nhiều khả năng các bào tử vi khuẩn nguy hiểm kia sẽ tìm được chỗ trú ngụ mới trên tay của chúng ta.

Đây là một phương pháp lây truyền mới của Clostridium difficile mà con người không thể ngăn chặn bằng cách rửa tay hay các biện pháp tẩy trùng bề mặt truyền thống. Nhóm tác giả đã nhận định mối nguy này xứng đáng nhận được sự quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn của giới khoa học trong tương lai.

Theo Arstechnica,
Quốc Hùng

>> Nghịch bẩn là tốt: Vì sao trẻ em cần tiếp xúc với vi khuẩn nhiều hơn?

Nguồn:https://trithucvn.net/suc-khoe/nghien-cuu-may-say-hoi-nong-pha-vi-khuan-tro-lai-tay-ban.html

Comment