su-linh-ung-cua-quan-the-am-bo-tat
Sự linh ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát
- bởi tamthuc --
- 17/02/2016
1. Vào triều đại nhà Tấn,Trung Quốc , niên hiệu Hưng Ninh, có vị Sa môn, Pháp hiệu là Trúc Pháp Nghĩa là một vị thạc đức đạo hạnh. Thời gian đầu lúc mới tu học, Ngài đến cư trú tại Ninh Sơn để chuyên tâm nghiên cứu các Kinh Luật luận.
Hàng Phật tử xuất gia theo Ngài tu học thường xuyên có số trên trăm vị. Vào niên hiệu Hàm An, năm thứ hai nhà Tấn, Ngài bị chứng bệnh trầm khí, kéo dài trong thời gian rất lâu, Ngài nhất tâm thành kính quy hướng về đức Đại bi Quán Thế Âm, một lòng xưng niệm danh hiệu của Bồ tát. Một hôm, Ngài nằm mộng thấy có người cầm dao mổ ruột của mình, rồi rửa ráy lục phủ ngũ tạng của Ngài. Bấy giờ thần thức trong mộng thấy rõ các vật bất tịnh kết tụ trong tạng phủ rất nhiều, người ấy sau khi rửa sạch các bộ phận trong cơ thể Ngài thì đem sắp xếp theo vị trí cũ trở lại và bảo Ngài Pháp Nghĩa rằng:
“Bệnh của Ông bây giờ đã khỏi hẳn rồi”. Pháp Nghĩa thức dậy, quả nhiên cảm thấy trong người thật thư thái, tất cả bệnh bổng nhiên dứt sạch. Sự tích trên là do Quan Thượng Thơ Phó Lượng, triều Nhà Tống soạn thuật lại.
Thượng Thơ thường nói với các thân hữu rằng mình là bạn thân của ngài
Trúc Pháp Nghĩa. Chính Ngài Trúc Pháp Nghĩa lúc còn sanh tiền cũng thường nói đến việc được chữa bệnh trong mộng cho nhiều người nghe. Mọi người nghe xong chuyện của Ngài, không ai chẳng sanh tâm cung kính và tán thán vì những việc chưa từng có đã xuất hiện trong đời do niềm tin nơi đức Quan Âm.
(Trích Cao Tăng Truyện – Tập 2)
2. Vào Triều đại Nguyên Ngụy, có một Tăng nhân, pháp hiệu là Thích Đạo Thái, ở Tịnh xá Hoành Dương, huyện Thường Sơn. Vị Tăng nhân này từng nằm mộng thấy có người đến bảo rằng: “Số mạng của Ông sẽ kết thúc vào lúc 42 tuổi.”
Đến năm đó, Thầy mắc bệnh nặng, trong tâm tự nghĩ chắc là không qua khỏi nên Thầy đem y bát và tất cả bạc tiền, đồ đạc, v.v… làm lễ Trai tăng bố thí rất lớn để cầu phước. Có người bạn đồng tu thấy thế bèn nói: “Tôi thấy trong Kinh Phổ Môn, chính kim khẩu của Bổn Sư Thích Tôn dạy Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát rằng: Nếu có người nào thọ trì danh tự của 62 ức hằng hà sa Bồ tát, lại thêm suốt đời đem thức ăn uống, y phục, đồ nằm để cúng dường, theo ý ông nghĩ sao? Công đức của thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy có được nhiều chăng? Vô Tận Ý Bồ tát thưa: “Rất nhiều, thưa Thế Tôn!”.
Đức Phật dạy tiếp: “Nếu lại có người thọ trì danh hiệu của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát cho đến lễ bái cúng dường, chỉ trong một thời thì phước đức của hai người ấy đồng nhau không khác.” Thầy Thích Đạo Thái nghe nói thế có phần cảm ngộ, liền chí thành quy hướng nơi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày đêm khẩn thiết trì niệm danh hiệu của Ngài không hề giải đãi.
Thầy tinh tấn thực hành trải qua bốn ngày đêm, bấy giờ lúc Ngài đang ngồi trong mùng, bổng nhiên thấy có quang minh từ ngoài cửa chiếu vào và thấy hai bàn chân của Quán Âm Đại Sĩ bằng hoàng kim sáng rực, chiếu khắp trong thất.
Thầy Thích Đạo Thái lật đật vén mùng, quỳ xuống đất cúi đầu đảnh lễ. Khi ngước lên thì cảnh tượng lạ lùng trang nghiêm ấy đã biến mất, lòng Thầy buồn vui lẫn lộn, toàn thân toát mồ hôi ướt đầm, ngay sau đó liền cảm thấy trong người nhẹ nhàng thư thái, chứng trọng bệnh nói trên liền được dứt hẳn.
(Trích Cao Tăng Truyện – tập 2)
3. Ở tại Hà Tây, có một vị Phật tử là Vương Thư Cừ Mộng Tốn, từ thuở
nhỏ đã phát tâm quy hướng chánh Pháp của Như lai. Một lần nọ, Ông bị
bệnh nặng, nhờ Y Ba Lập Bồ Tát ứng hiện bảo rằng: “Đức Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát rất có duyên với chúng sanh cõi Ta bà, ngươi nên phát tâm trì tụng Phẩm Phổ Môn thì bệnh chắc chắn sẽ khỏi.” Mộng Tốn vâng lời thực hành theo sự chỉ bảo của Bồ tát thì quả nhiên được lành bệnh.
Do Ông là người có địa vị vào thời ấy ở xứ Hà Tây nên sự kiện tụng kinh Phổ Môn được lành bệnh của Ông, tất cả dân chúng trong vùng đều biết, ai nấy đều noi theo gương Ông mà quy hướng Quán Thế Âm Bồ Tát và tụng kinh Phổ Môn. Vì nhân duyên ấy mà Kinh này đặc biệt lưu hành rộng rãi khắp xứ Hà Tây. Đây cũng chính là lý do phẩm phổ Môn còn được gọi là Kinh Quán Thế Âm.
(Trích Pháp Hoa Truyện ký)
4. Vào đời Lưu Tống, có Phật tử tên là Thiện Tín, người ở Ngô Hưng, đối
với Tam bảo rất có tâm tin kính. Một hôm, Thiện Tín mắc bệnh thương hàn nên không một ai dám đến gần săn sóc vì sợ lây nhiễm. Thiện Tín rất buồn khổ không biết tính thế nào, chỉ nghĩ rằng có một cách duy nhất là thành kính chuyên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Ông trì niệm Thánh hiệu Bồ Tát chỉ trong thời gian ngắn thì bổng có một Tăng nhân đến nhà bảo rằng:
“Ta đem thứ thuốc này để cứu độ đệ tử.” Nói vừa dứt lời liền lấy trong túi ra một hộp thuốc tán đưa cho Thiện Tín bảo uống. Thiện Tín vâng lời, uống vào thì bệnh liền khỏi hẳn.
(Trích Cao tăng Truyện – Tập 1)
5. Triều đại Lưu Tống có Ni sư Phiền Tảo họ Lộ, người ở Ngô Quân, con
gái của An Tung Tảo. Lúc hơn 10 tuổi. Ni sư bị bệnh nên phụ thân của Ni
sư nghe nói nơi nào có danh y đều đến rước về nhà chữa bệnh cho con. Vì thế hầu hết lương dược, miệng của Ni sư đều nếm qua nhưng bệnh trạng chẳng những không giảm mà còn ngày một tăng thêm.
Lúc bấy giờ, Thầy Thích Pháp Tế là một Tăng nhân trong vùng nói với An Tung Tảo rằng: “Theo ý của bần Tăng, sợ e bệnh ủa Tiểu Thơ là do nơi nghiệp chướng, nên thuốc thế gian khó bề trị lành được. Trong Kinh Phật có dạy: “nếu chúng sanh nào bị tai nạn, bệnh khổ, v.v… chí thành quy y Tam Bảo, sám hối cầu nguyện, đều được Từ lực của Tam bảo gia hộ cứu tế. Nếu Ngài có thể phát tâm chí thành, khẩn thiết sám hối, nguyện cầu để tẩy trừ trần cấu cho Tiểu Thơ thì bệnh sẽ được thuyên giảm.”
An Tung vâng lời liền cho thiết lập bàn hương án ở giữa nhà, thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thật thanh tịnh trang nghiêm, sau đó tắm gội sạch sẽ, trai giới thanh tịnh, đến trước Phật đài, vì con gái mình sám hối cầu nguyện, lại cho người dìu bệnh nhân đến trước bàn Phật, thành kính cúi đầu xưng niệm danh hiệu Bồ Tát liên tục không gián đoạn.
Thực hành như vậy trong suốt bảy ngày. Đến đầu hôm ngày thứ bảy, bổng nhiên thấy tượng Quan Âm sắc vàng, cao chừng một thước, giơ tay xoa trên thân của bệnh
nhân ba lần, tức thì Cô cảm thấy từ đầu đến chân rất thư thái, nhẹ hàng,
chứng bệnh trầm kha trước kia bổng nhiên biến mất.
Sau khi được sự linh ứng như vậy, Cô cầu xin cha mẹ cho đi xuất gia, và tu hành rất tinh tiến. Cô thường trì tụng Kinh Pháp hoa và trường trai.Trải qua 37 năm, thường chuyên tâm quán tưởng, nguyện đem công đức tụng kinh lạy Phật cầu sanh lên cung trời Đâu Suất. Niên hiệu Niên gia năm thứ 16, Ni sư đến Kinh đô để tạo kinh điển. Về sau Ni sư viên tịch nơi nào không được rõ.
(Trích Tỳ Kheo Ni truyện)
6. Vào triều đại Lưu Tống, Sa môn Thích Đàm Vĩnh ngụ tại chùa Trường
Cang, vốn là người xứ Hội Kê. Xuất gia từ lúc niên thiếu, Thầy là vị Cao tăng nghiêm trì giới luật, tu hành tinh tấn.
Hàng ngày, Thầy tụng kinh hơn mười ngàn lời, lại luôn dùng nhiều phương tiện thiện xảo tuyên dương pháp Đại thừa, nhiếp hóa vô lượng chúng sanh. Nhưng chẳng may, Thầy lại mắc phải chứng bệnh ghẻ khắp mình, lở loét đau nhức, tuy chữa trị nhiều năm mà bệnh vẫn không khỏi. Trong Thiền thất của Thầy có thờ một pho Tượng Quán Thế Âm. Suốt ngày đêm, Thầy dốc lòng chí thành lễ bái, cầu xin sớm được lành bệnh.
Một ngày nọ, lúc đang ở trong Tịnh thất, Thầy bổng thấy một con rắn
leo lên vách tường rồi bò lên nóc nhà. Một lúc sau, một con chuột từ nóc nhà rơi xuống đất, toàn thân nó ướt đẫm, dường như đã chết, chắc hẳn nó vừa bị con rắn ban nãy cắn.
Động lòng trắc ẩn, Thầy Đàm Vĩnh vội lấy chiếc thẻ tre cạo bỏ lớp nước bọt trên người con chuột, mong cứu nó sống lại. Lúc sắp vứt bỏ miếng thẻ tre cạo nước bọt ấy, bỗng nhiên Thầy sực nhớ trước kia có người từng nói nếu ai bị ghẻ lở mà tìm được nước bọt trên thân con chuột bị rắn cắn mà trét lên chổ ghẻ lỡ thì chắc chắn chổ ghẻ lỡ đó sẽ lành. Thầy lập
tức lấy phần nước bọt cạo trên thân chuột thoa lên chổ ghẻ lỡ của mình. Thật lạ lùng, khi Thầy vừa thoa xong thì chuột kia cũng sống lại và bỏ chạy đi nơi khác. Chỉ trong một đêm thì bệnh ghẻ của Thầy tự nhiên lành hẳn.
Bấy giờ Thầy mới nhận ra sự việc rắn cắn chuột đều là do sự thành tâm cầu khẩn Đức Quan Âm hàng ngày của Thầy nên được Bồ tát cảm ứng, thị hiện cứu độ như vậy. Sự việc này được nhanh chóng lưu truyền trong dân chúng và giới Phật tử, ai cũng cho là chuyện hy hữu và đều bàn tán khắp nơi tạo thành làn sóng dư luận chấn động đến hoàng cung, Quốc vương, các bậc Đại thần, Vương tử, v.v… đều khen là việc chưa từng có. Thầy Thích Đàm Vĩnh hưởng thọ đến 81 tuổi và viên tịch tại chùa Trường Cang.
(Trích Cao Tăng truyện – Tập 1)
7. Triều đại Nhà Tề có một người tên Kiến An Vương bị bệnh ghẻ lở không thuốc gì trị được. Người ấy ngày đêm khẩn thiết chí thành chuyên niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm ngày đêm không dứt. Một đêm nọ, Ông nằm mộng thấy Đại sĩ dùng tay xoa thuốc lên những nơi bị ghẻ lở cho mình. Sáng hôm sau, lúc thức dậy Ông thấy những nơi bị ghẻ lở đều đã lành hẳn. Mọi người khi nghe thấy đều lấy làm lạ và cùng ngợi khen. Việc ấy được lan truyền khắp nơi, những người đương thời do đó phát tín tâm quy hướng về Quan Âm Đại sĩ rất đông.
(Trích Cảm ứng truyện)
8. Triều đại nhà Lương có một vị Sa môn là Thích Pháp Kiều, người ở
Trung sơn. Thầy xuất gia từ lúc nhỏ nên đối với việc tụng Kinh niệm Phật,
Thầy rất mực tinh tấn nhưng khổ nổi âm thanh của Thầy không được lôi
cuốn, thiếu chất Thiền vị. Bấy giờ, Thầy bèn phát nguyện tuyệt thực sám
hối, chí thiết cầu nguyện quy mạng nơi Đức Quan Thế Âm.
Trải qua suốt bảy ngày đêm, Thầy kiền thành Lễ bái xưng niệm không trễ lười, mong cầu được hiện báo. Bạn đồng học thấy vậy hết sức ngăn cản nhưng không một ai có thể lay chuyển được quyết tâm của Thầy.
Đến ngày thứ Bảy, Thầy cảm thấy cổ họng thông suốt, liền lấy nước súc miệng rồi nói rằng: “Tôi đã được sự ứng nghiệm rồi”. Sau đó, Thầy tụng ba biến kinh, âm thanh trong trẻo, ấm áp vang xa suốt một dặm đường. Mọi người bấy giờ nghe nói đến việc này đều kinh ngạc ngợi khen, đua nhau đến Chùa để mục kích và nghe Thầy tụng kinh. Từ ấy về sau, mỗi ngày Thầy đều tụng Kinh đến vài mươi vạn lời, âm thanh ai nhã thông suốt ấy đến lúc Thầy 90 tuổi vẫn không suy giảm và thay đổi.
(Trích Cao Tăng truyện – Tập 1)
TAMTHUC
Comment