No icon

top-dieu-khach-nuoc-ngoai-e-so-nhat-khi-den-viet-nam

Top 4 điều khách nước ngoài e sợ nhất khi đến Việt Nam

Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách trong thời gian gần đây, với hơn 7 triệu lượt khách quốc tế chỉ trong 7 tháng đầu năm, tăng 128% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự hiếu khách, phong cảnh đẹp, những món ăn nổi tiếng, thì Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập khiến du khách e sợ và “một đi không quay đầu lại”.

Mặc dù việc đầu tư phát triển du lịch đã được đẩy mạnh, từ cơ sở hạ tầng đến phát triển các sản phẩm du lịch, thế nhưng có những vấn đề thuộc về nếp sống, văn hóa mà có tiền cũng không thể thay đổi được trong một sớm một chiều.

1. Nạn chèo kéo và chặt chém du khách

Từ Bắc chí Nam, tại những địa điểm du lịch nổi tiếng, không khó để bắt gặp cảnh du khách bị những người bán rong “bám đuôi” nì nèo mời mua đồ với giá đắt gấp đôi gấp ba so với giá trị thực. Việc này khiến nhiều du khách vô cùng bức xúc vì bị làm phiền và cuối cùng họ đành phải miễn cưỡng móc túi ra trả tiền để đổi lấy chút khoảng không yên bình trong chuyến đi của mình.

(Ảnh qua kienthuc.net.vn)

Trên một diễn đàn du lịch, nhiều khách đã chia sẻ về sự khó chịu của mình khi du lịch tại Sapa, nơi họ bị bủa vây bởi những đứa trẻ dân tộc nài nỉ họ mua những món đồ thổ cẩm, đòi tiền nếu trót chụp ảnh chúng, và chỉ chịu rời đi khi khách móc túi ra.

Đi đôi với nạn chèo kéo là tình trạng chặt chém du khách với lối suy nghĩ “khách chỉ đến một lần, ta cũng chỉ gặp khách có lần này thôi”. Thỉnh thoảng chúng ta lại thấy những mẩu tin trên báo về ông Tây này đã phải bỏ ra mấy trăm nghìn khi muốn chụp ảnh cùng đôi quang gánh ở Hà Nội, bà Tây kia đã phải trả vài trăm nghìn cho một túi bánh rán, hay một cặp đôi thì bị “chém” đến hơn triệu bạc cho cuốc taxi từ sân bay về khách sạn trong thành phố. Mọi người đọc và dần cảm thấy chuyện này là bình thường, thậm chí nhiều người còn hình thành nên tư duy là ‘khách nước ngoài thì nên trả tiền đắt hơn chút cũng không sao’. Tư duy du lịch chộp giật chính là một yếu điểm khiến du lịch Việt Nam có thể biến đổi về lượng chứ không về chất, và cũng là nguyên do khiến nhiều du khách không bao giờ muốn quay lại Việt Nam.

du khách, du lịch Việt Nam
(Ảnh qua thethaovanhoa.vn)

2. Giao thông không an toàn

Chuyện giao thông và chuyện qua đường ở Việt Nam là những điều khiến du khách nước ngoài vừa choáng váng vừa sợ hãi. Hiện trạng giao thông lộn xộn, bất quy tắc, nguy hiểm, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thực sự là thử thách đối với các du khách.

Nhiều người tỏ ra bối rối và sợ hãi thậm chí khi đi bộ trên vỉa hè, bởi vỉa hè không còn là nơi chỉ dành riêng cho người đi bộ, mà nhiều lúc xe máy cũng ngang nhiên phóng lên hè đi. Chưa kể nhiều tuyến đường vỉa hè bị chiếm dụng, khách không có cách nào khác là phải đi bộ dưới lòng đường với nỗi thấp thỏm trước dòng xe ùn ùn đi lại.

(Ảnh qua vnexpress.net)

Chuyện sang đường tại Việt Nam thậm chí còn ly kỳ hơn. Nếu khách qua đường tại những ngã tư có đèn tín hiệu giao thông thì còn khả dĩ, mặc dù rất nhiều khi họ cũng thất kinh vì có quá nhiều người tham gia giao thông bất chấp đèn đỏ vẫn cố phóng xe đi. Còn nếu tại vạch dành cho người đi bộ qua đường ở nơi không có đèn giao thông thì mới thật sự là “vượt qua thử thách”. Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một vài du khách nấn ná, bồn chồn lo lắng khi phải sang đường, thậm chí có người bước chân xuống đường rồi lại rút lên hè đứng nhìn dòng xe cộ nườm nượp qua lại mà không biết làm thế nào.

(Ảnh qua hanoiweather.info)

Với người nước ngoài, lưu thông trên đường phố Việt Nam quả là giống như đang chơi trò tử thần. Chuyện sang đường tại Việt Nam thậm chí còn là nội dung của nhiều chủ đề hỏi đáp trên các diễn đàn du lịch khi du khách chia sẻ lại các “bí quyết” sang đường ở đây cho người đến sau. Một trong số những chia sẻ phổ biến nhất là “Hãy cứ bước xuống đường và tự tin bước đi, xe cộ sẽ tự động tránh bạn”, nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí để thử điều này ngay trong những lần đầu tiên.

(Ảnh qua modelinia.com)

3. Thức ăn đường phố

Không thể phủ nhận một điều là Việt Nam có những món ăn thuộc dạng top yêu thích của thế giới, nhưng bên cạnh đó, nơi đây cũng có những món “đặc sản” khiến du khách kinh sợ như tiết canh, lòng lợn, mắm tôm, trứng vịt lộn, thịt rắn, thịt chuột, và đặc biệt là thịt chó.

Đối với người nước ngoài, chó không chỉ là vật nuôi mà còn là người bạn thân thiết, vì vậy chứng kiến cạnh “bạn” mình bị đem giết làm thịt là một điều khủng khiếp đối với họ.

Điều lo ngại nữa của họ là vệ sinh an toàn thực phẩm, khi hàng bán tràn lan ngay trên hè phố đông đúc và khói bụi, người bán dùng tay trần chế biến đồ ăn, rồi lại bàn tay đó cầm giẻ lau chùi hay lấy tiền lẻ trả lại. Hơn thế nữa, nhiều nơi quán xá vỉa hè được đặt ngay cạnh cống, thùng rác, khiến cho các du khách không đủ can đảm thử qua các món ăn cho dù chúng trông có ngon lành đến thế nào đi nữa.

Kết quả hình ảnh cho quán ăn vỉa hè
(Ảnh qua thethaovanhoa.vn)
TAMTHUC

4. Ứng xử thiếu văn hóa

Trước đây, trong một lần chia sẻ về những suy nghĩ, đánh giá về du lịch Việt Nam, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ngại ngùng khi nhắc đến thái độ ứng xử thiếu văn hóa của một số người bản địa khiến du khách e sợ. “Người ta nói rằng người Việt Nam hầu hết là mến khách, nhưng chỉ cần một người không mến khách sẽ tạo ấn tượng rất xấu. Đó là thái độ không tôn trọng khách, thiếu văn hóa. Ví dụ như khi mời mua đồ thì niềm nở, nhưng du khách vào mà không mua thì lại có thái độ xấu. Có thể người ta không hiểu tiếng Việt, nhưng nhìn vào thái độ người ta thấy sợ”.

điều khách nước ngoài e sợ nhất khi đến Việt Nam
(Ảnh minh họa qua doisongphapluat.com)

Hiện tượng nói trên xảy ra phổ biến ở nhiều nơi, tạo nên ấn tượng không mấy thân thiện đối với du khách. Không chỉ có vậy, còn tồn tại cả những hiện tượng như xin tiền của khách, tranh khách dẫn đến đánh chửi nhau, chen ngang khi xếp hàng, nói to, khạc nhổ, thản nhiên vứt rác bừa bãi. Đó đều là những hành vi ứng xử không có văn hóa khiến du khách, đặc biệt từ các quốc gia phát triển, rất e sợ.

Xuân Lan

TAMTHUC

Nguồn:https://trithucvn.net/du-lich/top-4-dieu-khach-nuoc-ngoai-e-so-nhat-khi-den-viet-nam.html

Comment