No icon

ephesus-va-chuyen-du-hanh-nguoc-nam

Ephesus và chuyến du hành ngược 3.000 năm

Nhắc đến văn minh La Mã, hầu hết chúng ta đều biết đến Rome hay Pompei – những thành phố cổ nổi tiếng ở Italia mà ít người biết tới Ephesus – thành phố La Mã lớn thứ hai trong thời kỳ cổ đại, đóng vai trò quan trọng về kinh tế và văn hóa của người La Mã ở Châu Á. Một ngày tham quan thành phố cổ Ephesus giống như một chuyến du hành ngược thời gian trở về thời cổ đại cách đây khoảng 3.000 năm.

Thành phố cổ Ephesus nằm ở phía Tây Nam thị trấn Selcuk, huyện Selcuk, thành phố Kusadashi, tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ, cách trung tâm thị trấn khoảng 3km.

Cách đây khoảng 3.000 năm từ khoảng thế kỷ thứ 10 trước CN, dưới thời Alexander Đại đế, tướng quân Lysimakhos thiết lập thành phố cổ Ephesus. Thành phố này bị bỏ rơi vào thế kỷ 15 và mãi đến năm 1863, phế tích Ephesus mới được tìm thấy. Hàng loạt công trình cổ đại của Ephesus đã được khai quật trên con đường trải dài hơn 3km, gồm có cung điện, quảng trường, nhà hát, thư viện, sân vận động…

Đại lộ chính của Ephesus thênh thang với hai hàng cột cẩm thạch, dọc hai bên đường là các tòa nhà hội họp, bàn vấn đề quốc sự, một số vòi phun nước công cộng. Đền thờ Hadrian xây từ thế kỷ thứ 2 để thờ vị minh quân Hadrianus của Đế quốc La Mã. Năm 1863, ngôi đền được khai quật, sau đấy đền được phục dựng lại từ những mảnh vỡ đào được vào năm 2001 – 2009. Ở gần cuối đại lộ chính, cách đền thờ Hadrian khoảng 500m là khối kiến trúc đồ sộ thư viện cổ Celsus xây dựng vào khoảng năm 110, gồm hai tầng thiết kế đẹp mắt và độc đáo để bảo quản 12.000 cuốn sách quý.

Gần thư viện Celsus có nhà hát ngoài trời hình bán nguyệt, có sức chứa đến 25.000 người. Mặt tiền nhà hát trang hoàng lộng lẫy với những hàng cột, hình đắp nổi, và các pho tượng. Khu vực này còn có quảng trường rộng lớn, nơi diễn ra cuộc sống hàng ngày. Có nhà vệ sinh công cộng là những căn phòng không vách ngăn, hệ thống nước chảy bên dưới. Bên trong nhà vệ sinh có những băng ghế đá dài để dọc theo bờ tường, phía trên đục lỗ tròn để nhiều người cùng sử dụng.

Ven triền đồi có các ngôi nhà của người La Mã cổ đại. Đặc biệt có các ngôi nhà của giới quý tộc của Ephesus. Nhà gồm hai tầng, mỗi phòng có chức năng riêng, có hệ thống nước nóng, lạnh. Tường, sàn trang trí các bức tranh khảm đá tinh xảo, sống động, và màu sắc còn gần như nguyên vẹn.

Trên ngọn đồi xanh mướt ở phía Tây Nam có ngôi nhà nhỏ bằng đá của Mẹ Maria. Mỗi năm, hàng ngàn người hành hương đến đây cầu nguyện và ghi những điều ước vào giấy hay một mảnh vải sạch rồi treo lên “bức tường ước” bên ngoài ngôi nhà. Người ta tương truyền rằng Đức Mẹ Maria đã qua đời ở ngôi nhà này.

Ở phía Đông Bắc là đền Artemis thờ nữ thần săn bắn Artemis, một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Đền Artemis xây từ năm 550 TCN, bằng đá cẩm thạch, có cấu trúc đồ sộ với chiều dài 115m và chiều rộng 55m. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn tàn tích là một cột đá duy nhất do ngôi đền đã 3 lần bị cháy và tàn phá qua các triều đại.

Ephesus là vùng đất được tìm thấy đầu tiên bởi người Amazon. Khoảng thế kỷ thứ 10 TCN, vùng đất này rơi vào tay người Hy Lạp, và từ đấy trở nên thịnh vượng với dân số lên đến 250.000 người – tức là quy mô đại đô thị thời bấy giờ. Năm 130 TCN, người La Mã chiếm toàn bộ khu Tiểu Á và thành phố Ephesus trở thành thủ đô cũng như đô thị lớn nhất Tiểu Á.

Khi đế chế Ottoman bắt đầu thống trị Thổ Nhĩ Kỳ, Ephesus giảm dần kích thước lẫn dân số. Đến khoảng thế kỷ 15, Ephesus chính thức bị lãng quên và vùi lấp bởi hoạt động mạnh mẽ của thiên nhiên, biển bị bồi lấp – sinh kế không còn nên người dân lần lượt rời bỏ thành phố.

 

TAMTHUC

TAMTHUC

Tác giả: Hoàng Huy

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/du-lich/ephesus-va-chuyen-du-hanh-nguoc-3-000-nam.html

Comment