mot-nguoi-co-pham-chat-cao-quy-hay-thap-hen-tu-cach-an-noi-co-the-thay-ro
Một người có phẩm chất cao quý hay thấp hèn, từ cách ăn nói có thể thấy rõ
- bởi tamthuc --
- 13/10/2017
Lời nói là xuất ra từ tâm. Cho nên, cách nói năng của một người sẽ thể hiện rõ ra tính nết và nhân phẩm của người ấy.
Sức mạnh của lời nói
Cổ nhân có câu : “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn” (Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng). Cho nên, có thể thấy, bất cứ lời nói nào đều sẽ đem lại những kết quả khác nhau.
Lời nói sẽ mang lại những kết quả khác nhau, trong đó lời nói tốt đẹp khích lệ người khác sẽ mang đến thiện lành, còn lời nói ác làm tổn thương người và có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Nhiều người xấu tạo ra những tin đồn làm hại người khác để thỏa mãn tâm đố kỵ hay dục vọng của bản thân thường vẫn tự cho mình là có kế hay, nhưng họ đâu biết rằng những gì chờ đợi phía trước lại là hận thù hay báo ứng.
Tôn Tử – một vị tướng tài thời Xuân Thu từng nói : “Tặng người lời nói, quý như châu báu. Hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo”. Đối với những người tu luyện trong Đạo gia hay tu hành trong Phật gia mà nói, tu khẩu là một trong những điều quan trọng nhất trên con đường tu hành. Người tu chân chính sẽ không nói dối, không nói lời ác độc, không nói lời ngông cuồng, ác ngữ. “Ngồi tĩnh lặng, thường nghĩ lỗi của mình, trò chuyện không nói xấu người khác” – đây không chỉ là việc tu dưỡng cơ bản của các hành giả, mà còn là của mỗi người thời xưa.
Ngôn ngữ giống như cây cầu kết nối giữa người với người, cũng là phương tiện quan trọng để con người nhận thức thế giới bên ngoài. Vậy nên, nếu muốn nói lời khiến người nghe vui vẻ hài lòng, dễ nghe lọt tai, thì hãy nói lời tốt đẹp chân thành, xuất phát từ thiện ý mà nói.
Miệng người lại giống như đao kiếm sắc bén, có thể mang đến điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh, nhưng cũng có thể dễ dàng nói điều ác, gây họa cho người.
Lời nói thể hiện ra phẩm chất của một người
Người xưa giảng rằng: “Quý nhân ngữ trì”, tức người cao quý nói năng chậm rãi từ tốn. Cho nên, lời nói là có thể thể hiện ra phẩm chất của một người.
Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta sẽ gặp không ít người có tài ăn nói, biết cách chuyện trò. Nhưng một khi khả năng ấy “bị đặt nhầm chỗ”, họ sẽ nói lời ác ngữ, cay nghiệt, không cho người khác có chút cơ hội để biểu đạt ý kiến của mình. Người như vậy thường có tính cách không dễ chịu thiệt về lợi ích, họ luôn muốn ganh đua, hơn người.
Trong cuộc sống thường ngày, có những người mà nếu như ai đó “đắc tội” với họ, họ sẽ dùng hết khả năng “miệng lưỡi”, nghiến răng để nói những lời cay độc, không ngừng cười nhạo châm biếm, dùng lời ác để tấn công người khác. Họ sẵn sàng tiết lộ bí mật mười mấy năm hoặc chuyện riêng tư của người khác, làm người ta không còn thể diện, lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề, họ sẽ trở nên vô cùng đáng thương… Người như vậy thì phẩm chất cũng không phải tốt đẹp, lòng dạ hẹp hòi, không lương thiện.
Người lương thiện thực sự thì hoàn toàn trái lại. Họ nói gì đều suy nghĩ đến cảm nhận của người khác, suy xét xem người khác có bị phương hại gì không. Lời nói của họ dễ nghe nhưng hoàn toàn là phát ra từ tâm, không phải lời hoa mỹ, lấy lòng người để được lợi ích cá nhân. Điều này hoàn toàn không thể “giả trang” mà ra được.
TAMTHUCSức mạnh của lời nói thiện ý
Có một câu chuyện Phật gia kể rằng:
Phật Thích Ca Mâu Ni từng dẫn dắt 500 tăng lữ đi đến đất nước Krishna hoang sơ để huyền dương Phật Pháp. Vì để cứu độ người có duyên, Tôn giả Mục Kiền Liên đã được lựa chọn là người đầu tiên đi vào trong thành Krishna.
Khi vị tôn giả nhìn thấy người dân Krishna có một số hành vi không hợp đạo lý, ngài liền mở miệng giảng đạo lý nhân quả cho dân chúng nghe. Ngài nói rằng hành vi ngu si của dân chúng Krishna chắc chắn sẽ gặp quả báo và sẽ phải chịu khổ rất nhiều.
Nghe những lời nói ấy, người dân Krishna đã không chấp nhận được. Họ liền nổi giận đùng đùng và đuổi Tôn giả Mục Kiền Liên ra ngoài thành, khiến chuyến đi đến nước Krishna của tôn giả trở thành vô ích.
Sau đó, Phật Thích Ca Mâu Ni đã phái Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đi đến nước Krishna làm nhiệm vụ ấy. Khi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bước vào trong thành, ngài không lập tức truyền giảng Phật Pháp, mà trước tiên khen ngợi người dân Krishna là cần cù siêng năng, thuần khiết và lương thiện.
Những lời lẽ tốt đẹp của ngài đã khiến người dân Krishna hân hoan vui mừng. Cuối cùng, họ dâng hoa tươi, bát dĩa, trân bảo, và chân thành cúng dường. Nhờ đó, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã đưa người dân Krishna đến với đất Phật, cung kính với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và lắng nghe tâm Pháp của Đức Phật.
Có thể thấy chỉ người có tấm lòng rộng lớn mới có thể thể hiện ra phong thái khoan dung, rộng lượng. Chỉ người có một lòng không tư lợi mới có thể tỏa ra ánh sáng chân thành và lương thiện.
Vì vậy, bằng trái tim từ bi và khuyến thiện, những lời tốt đẹp sẽ đem đến thiện duyên cho mỗi người. Khi nhìn thấy tài năng, tri thức, phẩm đức và thiện hạnh của người khác, hãy dùng lòng chân thành để tán dương, học hỏi, đồng thời xóa bỏ lòng đố kỵ và ngạo mạn của bản thân để mở rộng tâm lượng của chính mình.
Nếu mỗi người đều có thể nói lời chân thành tốt đẹp, luôn nghĩ đến người khác trước thì chắc chắn cả xã hội sẽ trường tồn trong yên ổn, thái bình.
An Hòa (dịch và t/h)
TAMTHUC:
Comment