vi-sao-nguoi-xua-nghe-tieng-nhac-lai-co-the-du-bao-duoc-su-hung-suy-cua-quoc-gia
Vì sao người xưa nghe tiếng nhạc, lại có thể dự báo được sự hưng suy của quốc gia?
- bởi tamthuc --
- 29/05/2018
“Ngũ âm” trong âm nhạc Trung Quốc cổ đại bao gồm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Âm Cung đại diện cho vua, âm Thương là thần tử, âm Giốc là dân chúng, âm Chủy là chính sự, âm Vũ là vạn vật.
Vì sao người xưa nghe tiếng nhạc, lại có thể dự báo được sự hưng suy của quốc gia?
“Ngũ âm” trong âm nhạc Trung Quốc cổ đại bao gồm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Âm Cung đại diện cho vua, âm Thương là thần tử, âm Giốc là dân chúng, âm Chủy là chính sự, âm Vũ là vạn vật.
Một khúc nhạc hoàn chỉnh bắt đầu bởi âm Cung, ở giữa do là âm Giốc, âm Chủy, âm Vũ cùng tạo thành, cuối cùng là âm Thương. Âm luật như thế đại diện cho việc vua dẫn dắt quan văn võ trong triều lấy dân làm gốc, cả nước đồng lòng, có như vậy đất nước tự nhiên sẽ hưng thịnh giàu có.
Các vị minh quân thời cổ đại của Trung Quốc đều hiểu rõ ý nghĩa của âm nhạc, cho nên cũng khá chú trọng tác dụng giáo dục của âm nhạc. Bởi vì âm nhạc có thể đại diện cho vua, thần, dân chúng, cho nên trong các triều đại của Trung Quốc, có rất nhiều người đã nghe được sự thay đổi trong âm luật để có thể đoán trước được sự hưng vong của đất nước.
Sau đây, chúng ta hãy cùng xem lại những câu chuyện về các kỳ nhân dị sĩ đã sử dụng âm nhạc để dự báo được chuyện quốc gia.
Nghe âm nhạc thái miếu, dự đoán việc tốt lành của tông thất nhà Đường
Năm Thần Long đầu tiên (705) thời Võ Tắc Thiên, thái miếu ở Tây Kinh tổ chức lễ tế mùa xuân, thái nhạc lệnh Bùi Trí Cổ tham gia lễ tế. Sau khi ông nghe âm nhạc được tấu lên, lặng lẽ nói với vị quan thông hiểu âm luật ngồi ngay hàng đầu rằng: “Sắt đá hài hòa, nhất định là có việc may mắn sắp sửa xảy ra. Chuyện may mắn này sẽ ứng nghiệm vào con cháu tông thất Lý Đường”. Sau khi ông ấy nói xong, cũng vào tháng ấy, Võ Tắc Thiên bệnh chết.
Thiên Thụ năm thứ nhất (năm 690), Võ Tắc Thiên cướp ngôi vua Đường, đổi quốc hiệu nhà Đường thành nhà Chu, tự mình xưng đế. Mãi sau khi tông thất nhà Đường là Lý Hiển lên ngôi, mới khôi phục lại quốc hiệu nhà Đường. Bùi Trí Cổ nhìn thấu âm nhạc, nhờ vậy có thể đoán trước được việc tốt lành của tông thất nhà Đường.
Ninh Vương nghe nhạc, dự đoán trước kiếp nạn của quốc gia
Năm Khai Nguyên cuối cùng của triều Đường, đô đốc phủ Tây Kinh tiến cống một khúc nhạc mới. Đường Huyền Tông thiết đãi hoàng thất đến Thiên Điện cùng thưởng thức khúc nhạc này. Sau khi khúc nhạc được tấu xong, các vương gia đều lần lượt khen hay, chỉ duy có anh trai của Huyền Tông là Ninh Vương Lý Hiến lại không hề lên tiếng. Huyền Tông thấy vậy, liền hỏi vương huynh của mình: “Vì sao huynh lại trầm mặc như vậy?”
Ninh Vương nói: “Khúc nhạc này âm điệu tuy đẹp, nhưng thần lại nghe nói, một khúc nhạc phải bắt đầu từ âm Cung, kết thúc bằng âm Thương, ở giữa do âm Giốc, Chủy, Vũ cùng hợp thành, đầu cuối do Cung và Thương phối hợp chặt chẽ mà thành. Thế nhưng khúc nhạc này khi mới bắt đầu, đã tách khỏi âm Cung, hai âm Chủy, Thương lộn xộn mà âm thanh lại gay gắt.
TAMTHUC
Thần lại nghe nói, Cung đại diện cho vua, Thương đại diện cho thần, âm Cung không mạnh có nghĩa là quân vương thế lực yếu kém, âm Thương quá mạnh ý chỉ bề tôi bên dưới có ý muốn tạo phản. Điềm báo này tuy nhỏ, ẩn bên trong âm luật, truyền ra trong lời ca, nhưng cuối cùng sẽ có một ngày sẽ linh nghiệm. Thần lo lắng, có một ngày loạn thần tặc tử sẽ làm phản. Bệ hạ e rằng sẽ gặp nạn phải lưu lạc, điềm này đều từ trong khúc nhạc mà ra!”.
Nghe Ninh Vương giải thích xong, hoàng đế Huyền Tông lập tức im lặng không nói. Không lâu sau đó, nhà Đường xảy ra “Loạn An Sử” do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh phát động, nhà Đường cũng vì thế mà suy yếu. Ninh Vương nghe nhạc dự đoán được kiếp nạn của đất nước, cũng được chứng thực.
Lúc này còn có một hiện tượng, vào những năm Thiên Bảo, có rất nhiều những nhạc khúc lấy tên các địa danh vùng biên cương, như là “Kinh Châu khúc”, “Cam Châu khúc”, “Y Châu khúc”… Những khúc nhạc này sử dụng “phồn âm” (tức âm nhạc mang âm điệu hào nhoáng xa xỉ), trước mỗi tên gọi đều có thêm chữ “phá”. Sau này, những vùng biên giới này đều bị người Hồ công phá hoặc xâm chiếm. Chiến loạn còn chưa xảy ra, âm nhạc đã xuất hiện điềm báo!
Nhạc công dự báo đại loạn thời Tùy
Vào thời nhà Tùy có một nhạc công tên Vạn Bảo Thường rất thông minh, tinh thông âm luật. Một năm kia, sau khi Vạn Bảo Thường nghe nhạc công tấu nhạc xong, khóc nói rằng: “Thanh âm thô bạo mà đầy bi thương, ý chỉ không lâu sau thiên hạ này sẽ đại loạn, khắp nơi sôi trào, tàn sát lẫn nhau!”. Lúc này thiên hạ nhà Tùy vẫn đang thái bình thịnh trị, thế nên người ta đều không tin vào lời của Vạn Bảo Thường.
Đại Nghiệp năm thứ 14, Tùy Dạng đế tuần du Giang Nam, đam mê hưởng lạc, cuộc sống ngày càng xa hoa phóng túng, cho xây dựng cung điện vườn uyển khắp nơi, rời khỏi cung điện đến biệt quán, dân chúng trong thiên hạ vì thế mà phải đi lao dịch, sưu thuế nặng nề, trộm cắp ở khắp nơi, các nơi đều tạo phản. Dự đoán của Vạn Bảo Thường thực sự đã ứng nghiệm.
Nhạc công nghe nhạc, dự báo Tùy Dạng Đế một đi không trở lại
Thời nhà Tùy còn có một nhạc công tên Vương Lệnh Ngôn, cũng rất tinh thông âm luật. Một ngày kia, con trai của ông ta trở về từ trong cung, ngồi bên ngoài dùng đàn tỳ bà đàn khúc nhạc “An công tử khúc”.
Vương Lệnh Ngôn trong phòng nghe được, trong lòng sợ hãi, liền gọi con trai vào, nói : “Tốt nhất con đừng theo vua đến Giang Đô. Hoàng Thượng đi lần này, nhất định không thể quay về”. Con trai ông hỏi nguyên do, ông nói: “Khúc nhạc này âm Cung có đi không có về, mà âm Cung đại diện cho vua, thế nên ta biết”. Tùy Dạng Đế đi chuyến này, quả nhiên không về được kinh thành, mà bị giết ở Giang Đô.
Văn Thiên Tường nghe nhạc, dự báo Nam Tống diệt vong
Vị anh hùng chống quân Nguyên nổi tiếng trong lịch sử – Văn Thiên Tường, cũng từ khúc nhạc của quân Mông Cổ mà dự đoán được sự diệt vong của Nam Tống.
Năm 1278, Nam Tống bại trận. Thừa tướng Văn Thiên Tường bị bắt, quân Nguyên áp giải về kinh. Lúc này, quân Mông Cổ vì đánh thắng trận, vui mừng nên cùng hát ca khúc “A Lạt đến”. Văn Thiên Tường ngồi trên thuyền nghe thấy khúc nhạc này, trong lòng liền chấn động.
Ông hỏi quan quân Mông Cổ: “Ca khúc này đến từ nơi nào?”. Quan quân nói: “Ca khúc này có nguồn gốc từ đại mạc, chính là ca khúc của đế quốc Mông Cổ chúng ta!”. Văn Thiên Tường nghe xong, liền đau khổ rơi lệ, ngửa mặt nhìn trời thở dài nói: “Đây chính là âm thanh của hoàng chung (chuông bằng vàng), người Nam không thể phục hưng rồi”.
Trung Quốc thời cổ đại, hoàng chung là âm thanh của cung đình, được ví như Đế vương. Văn Thiên Tường nghe thấy ca khúc của quân Mông Cổ giống như tiếng hoàng chung, thế nên cảm thán quốc vận Nam Tống đến đây là hết, không thể phục hưng nữa.
Thần dân các thời Tùy, Đường, Tống, Nguyên, khi nghe một đoạn nhạc, giống như biết trước được bí mật, dự đoán được vận nước hưng suy. Cổ nhân nghe được sự thay đổi trong âm nhạc, thì có thể dự đoán được việc nước, so với ngày nay thì thật sự rất kỳ diệu.
Âm nhạc chỉ là những nốt nhạc trừu tượng, nhưng lại có thể báo trước được sự hưng vong của một đất nước. Từ đó có thể thấy, âm luật – quy luật của âm nhạc, vẫn phát huy được một tác dụng thần kỳ khác mà con người không thể nhìn thấy được!
Tiểu Minh
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/vi-sao-nguoi-xua-nghe-tieng-nhac-lai-co-the-du-bao-duoc-su-hung-suy-cua-quoc-gia.html
Comment