trai-nghiem-kho-quen-tren-hon-dao-mang-ve-dep-hoang-so-vinh-thuc
Trải nghiệm khó quên trên hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ Vĩnh Thực
- bởi tamthuc --
- 29/08/2017
Tôi đến Vĩnh Thực, thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào một buổi sáng khi cơn bão cấp 10 Hato gây mưa lớn ở nhiều tỉnh miền Bắc của Việt Nam vẫn còn dư âm.
Xe cập bến Móng Cái lúc trời còn chưa đầy 5 giờ sáng. Vào mùa hè, lẽ ra lúc này nơi đây đã hừng đông. Nhưng do ảnh hưởng của cơn bão nên dường như đêm vẫn chưa tan, thêm vào đó là mặt đất và cảnh vật xung quanh vẫn đang ướt sũng nước sau mấy ngày mưa to gió lớn.
Mỗi tia sét xoẹt ngang qua bầu trời khiến cơn mưa đen kịt hiện lên như thể chỉ cách đầu tôi có vài mét và sẵn sàng đổ ập xuống thành phố nơi địa đầu đất nước này bất cứ lúc nào.
Sau hai tiếng ngồi chờ tại bến xe, cuối cùng cũng đến 7 giờ sáng, trời không mưa và dần quang đãng. Chúng tôi cùng nhau đến chỗ hẹn để làm một vài giấy tờ cần thiết, nhưng chúng vẫn chưa có như trong giấy hẹn.
Sau vài lần tưởng chừng như một trận mưa như trút sẽ ập xuống, mây đen lại tan, và trời hửng nắng, gió mát, không khí trong lành, khá lý tưởng cho một chuyến tham quan và khám phá thành phố thuộc duyên hải Bắc Bộ này.
Giấy tờ chưa xong hóa ra lại là hay, tôi chợt nhớ ra mình có một người bạn đã sinh sống ở khu vực này. Tôi gọi cho cậu ấy, dường như cậu ấy đang chờ sẵn cuộc gọi và sẵn sàng để đón tôi. Hành trình tới đảo Vĩnh Thực của chúng tôi bắt đầu.
Vĩnh Thực là tên hòn đảo bạn tôi đang sinh sống và làm việc, cách trung tâm thành phố Móng Cái khoảng 20 km về phía Nam. Từ thành phố Móng Cái, đi khoảng chừng nửa tiếng, có lẽ là được nửa đường, chúng tôi đến Mũi Ngọc, tại đây chúng tôi đi xuồng để ra xã đảo Vĩnh Thực.
Chiếc xuồng đã đợi sẵn chúng tôi ở đó, nó rất nhỏ, mỗi lần chỉ chở được tầm 10-13 người. Sóng biển khá mạnh và trên hải trình kéo dài khoảng 15 phút từ bến Mũi Ngọc sang đảo Vĩnh Thực chúng tôi liên tục được nếm vị mặn của biển do từng con sóng ập đến tạt nước biển lên xuồng. Nhưng dường như không ai thấy bị phiền phức, mà đều cười, có lẽ mọi người đều hiểu và thích thú với mùi vị riêng của biển cả.
Xuồng cập bến, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến nhà người bạn, có một chiếc ô tô của hãng xe đã được bố trí từ trước, chúng tôi lại tiếp tục 3 km nữa để đến nơi hẹn.
Thời tiết ở đây dường như biết chúng tôi tới và có sự thay đổi ngoạn mục để chào đón. Khi vừa từ xuồng đặt bước chân đầu tiên lên đảo, một cơn mưa đen dường như muốn đậy kín biển cả, không cho chúng tôi được thưởng ngoạn cảnh biển trời nơi đây.
Lòng lâng lâng khi sắp được gặp người bạn thân từ hồi trung học mà cả chục năm chưa có lần hội ngộ. Khi đến nơi hẹn, niềm vui còn nhân đôi, khi biết rằng cậu em họ tôi cũng sinh sống và công tác cùng cơ quan với cậu bạn.
Tôi và bạn đồng hành vô cùng ấn tượng khi vừa đặt chân xuống xe đã thấy em tôi, bạn tôi, bà xã của cậu ấy và các đồng nghiệp của họ cùng chị chủ quán của một cửa hàng chuyên bán đồ hải sản ngay sát bờ bãi tắm Cửa Hèn (Bến Hèn) đang ngồi quanh mâm cơm chờ chúng tôi. Quả là vô cùng xúc động trước lòng mến khách của người dân nơi đây.
TAMTHUCKhoảng 20 phút đám mây đen kia tan đi, bầu trời trong xanh trở lại ngoài mong đợi. Cảnh biển nơi đây với tôi mà nói là đặc biệt hơn những nơi khác. Từ bãi tắm Bến Hèn đến những hòn đảo lân cận của huyện láng giềng (đảo Cô Tô) đi cũng mất gần 1 đến 2 tiếng đi xuồng.
Sau khi chụp được vài bức ảnh, chúng tôi quây quần bên nhau dùng bữa. Em và bạn tôi đã xin nghỉ làm buổi chiều để tiếp đón chúng tôi và tình nguyện làm xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu với hai người chúng tôi về hòn đảo Vĩnh Thực xinh đẹp này.
Tuy hai người đều là từ nơi khác đến sinh sống và làm việc, nhưng tôi cảm nhận được họ mang ơn mảnh đất này, cũng như họ tự hào về nó trong từng lời kể của họ về dân đảo và cảnh quan nơi đây.
Bạn tôi cho hay dân đảo không nhiều, khoảng hơn 1.000 hộ với chưa đầy 5.000 người và chia làm 2 xã. Cư dân chủ yếu sinh sống bằng đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Dân đảo cũng trồng lúa, ngô khoai, nhưng phần lớn là đi biển vì thu nhập cao hơn…
Trong xã bạn tôi sinh sống thì gần như ai cũng biết ai, bởi vậy khi lên đảo, chúng tôi có thể chỉ cần báo bác tài tên người cần gặp, không cần nói địa chỉ là có thể đến nơi cần đến. Bạn và em tôi kể cho chúng tôi nghe nhiều lắm…
Nhưng khi nói đến việc học hành của con cái, giọng bạn tôi hơi trầm xuống và đưa mắt nhìn xa ra biển. Bạn nói: “Cuộc sống ở đây thì cũng thích, không bon chen, thong thả, nhưng con cái học hành thì vất vả lắm!”
Cậu ấy cho hay ở trên đảo, các em chỉ có thể học hết cấp 2. Còn khi lên cấp 3, các em phải vào thành phố Móng Cái, ở trọ và theo học trường trong đó.
….
Rồi chúng tôi đi thăm thú một số cảnh quan và bãi biển trên đảo. Dọc hành trình hai “dân đảo” này không ngừng giới thiệu cho chúng tôi từng người mà chúng tôi gặp trên đường đi mà họ quen biết, đến từng loại cây mà chúng tôi nhìn thấy cũng như tình hình thời tiết trên đảo.
Theo lời cậu ấy thì thời tiết ở đảo này “một mình nó một kiểu, không đâu nhiều sét và chớp như nơi này!” và “trước khi các cậu tới đây nó mưa ròng cả tháng, may sao hôm nay không mưa.”
Dùng lời cũng không miêu tả được hết cảnh đẹp trên đảo, tôi đã dùng chiếc điện thoại của mình ghi lại hành trình trải nghiệm của bốn chúng tôi trên hòn đảo Vĩnh Thực, hy vọng sau khi xem xong bộ ảnh này, bạn cũng phần nào có cảm nhận về vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ của mảnh đất và con người của đảo xa:
Trước khi đến bãi cát, bạn sẽ bắt gặp dải muống biển với hoa tím biếc mang chút buồn man mác ngay cửa bến Hèn.
Bãi cát bến Hèn khi cơn mưa chưa tan hết
Từ bến Hèn nhìn thẳng ra xa là đảo Trần (đảo to hơn) và Trần Nhạn (đảo nhỏ) cách bến Hèn khoảng hơn 1 giờ di chuyển bằng bè, trên đảo này có khoảng gần 100 cư dân sinh sống.
Đảo Thanh Lân (thuộc huyện Cô Tô) nhìn từ bãi tắm bến Hèn trong cơn mưa.
TAMTHUC
Rời bến Hèn, chúng tôi chuẩn bị phương tiện lên đường tới ngọn hải đăng Vĩnh Thực, xăng đóng can từ đất liền mang sang đảo.
Cây gai với hoa màu trắng mỏng manh, cùng phi lao, dứa (thơm) dại là ba trong số những cây xanh phổ biến trên đảo.
Đồng lúa xanh ngát với đàn cò trắng đang bay lượn ở đằng xa
Trời ngày một nắng và trong xanh hơn, chúng tôi đã gần đến ngọn hải đăng
Cách ngọn hải đăng chừng vài trăm mét là đoạn đường đang thi công
Ngọn hải đăng Vĩnh Thực đã ở trước mắt
Leo 96 bậc để lên hải đăng được xây dựng từ những năm 1960, mới được tu sửa lại và hoàn thiện vào giữa năm 2017.
Vượt 55 bậc thang gỗ và 4 chiếu nghỉ bê tông để lên tầng cao nhất, nơi có đèn hải đăng
Đèn Hải đăng
Từ nơi đèn hải đăng nhìn ra bãi biển thuộc hòn Đầu Tán trải dài duyên dáng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác và là một trong những bãi tắm đẹp nhất đảo.
Đầu Tán
TAMTHUC
Cảnh tàu bè đi lại phía dưới ngọn hải đăng
Một mỏm núi bên sườn ngọn hải đăng
Thêm một mỏm đá ấn tượng không rõ tên
Màu nước biển xanh ngọc, sóng xô bờ đá…
Từ tầng cao nhất của ngọn hải đăng nhìn xuống
Từ sân chính của ngọn hải đăng nhìn ra biển hướng thành phố Móng Cái và Trung Quốc
Bể chứa sứa
Rời ngọn hải đăng Vĩnh Thực, đến bãi tắm đầu Đông, từ đây có thể nhìn thấy ngọn hải đăng tại mỏm dãy núi phía xa.
Bãi đá trên bờ biển đầu Đông
Nơi thuyền bè tập kết tránh bão và buôn bán hải sản thuộc bến Hèn, những con thuyền này đang chờ nước lên để ra khơi.
Lúc này nước đang rất cạn, tàu bè chưa thể ra khơi
Hành trình trở về nhà người bạn
TAMTHUC
Tục lệ thờ chó đá của người dân trên đảo, không rõ bắt nguồn từ đâu
Rời đảo Vĩnh Thực…
Xuân Phương
TAMTHUC:
Comment