nguoi-xua-giang-muon-gia-toc-hung-thinh-can-giao-duc-con-cai-dieu-nay
Người xưa giảng: Muốn gia tộc hưng thịnh, cần giáo dục con cái điều này
- bởi tamthuc --
- 17/10/2017
Người xưa có giảng, muốn gia tộc hưng thịnh thì cần giáo dục con cái thật nghiêm khắc. Dạy cho trẻ biết coi trọng đạo đức hành thiện một cách cẩn thận, đây mới là phương pháp để bảo vệ con cháu tốt nhất.
Hai câu chuyện được lưu truyền trong lịch sử dưới đây cũng chính là bài học quý giá cho các bậc cha mẹ ngày nay:
Từ Miễn thề để tiếng thơm cho con cháu
Từ Miễn làm quan Trung thư lệnh thời nhà Lương, suốt đời có địa vị cao. Ông nghiêm khắc với bản thân, làm việc công chính mà cẩn thận, tiết kiệm không tham lam, không quan tâm đến gia sản. Bình thường những bổng lộc phần lớn đều chia cho người thân, bạn bè và những người dân nghèo khổ, bởi vậy trong nhà không có của cải gì cả.
Trong số khách khứa và bạn hữu của ông có người khuyên ông nên thu vén một chút sản nghiệp để lại cho con cháu, nhưng ông trả lời rằng: “Người ta để tiền của lại cho con cháu, còn tôi để tiếng thơm lại cho con cháu. Con cháu mà có đức có tài, chúng tự nhiên có thể sáng lập nên gia nghiệp. Còn nếu chúng không có tài đức, dẫu tôi có để lại tài sản cũng vô dụng”.
Từ Miễn thường xuyên dạy bảo con cái cần phải trọng phẩm hạnh đạo đức. Ông từng viết thư nhắc nhở con trai tên là Từ Tung, nói:
“Gia thế nhà ta rất thanh liêm, cho nên cuộc sống thường ngày có kham khổ. Đến cả việc mua sắm sản nghiệp, từ trước tới nay chưa hề đề cập đến, chứ không chỉ là không kinh doanh mà thôi. Người xưa nói: ‘Để lại cho con cháu nguyên sọt vàng, không bằng dạy chúng siêng năng học tập một quyển kinh thư’. Nghiên cứu cẩn thận những lời bàn này, thực sự không phải là những lời nói suông.
Mặc dù ta không có tài cán gì, nhưng có tâm nguyện, vui mừng được tuân theo lời giáo huấn này của cổ nhân, không dám bỏ dở nửa chừng. Từ lúc ta có được quyền cao chức trọng tới nay đã gần 30 năm, có một số môn khách và bằng hữu đều cực lực khuyên ta hãy thừa dịp khi có chức có quyền mà tùy cơ hành sự, mua sắm ruộng vườn để lại cho các ngươi, ta đều cự tuyệt không chấp thuận. Bởi vì ta cho rằng chỉ có để lại thứ quý giá nhất là sự thanh bạch cho đời sau, mới có thể khiến con cháu được hưởng phúc vô cùng”.
Con cái của Từ Miễn về sau đều trở thành những người tài đức nổi tiếng xa gần.
Lưu Tần nghiêm khắc dạy con trai chăm chỉ học hành, tự thân lập nghiệp
Lưu Tán là đại thần nhà Hậu Đường thời Ngũ Đại, người Ngụy Châu (nay là huyện Ký, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Lưu Tán xuất thân là tiến sĩ, vào triều làm quan, ông nhiều lần đảm nhiệm chức Trung thư xã nhân, Ngự sử trung thừa, Hình bộ thị lang. Lưu Tán làm quan không thiên vị tình riêng, không xu nịnh quyền quý, ông nổi tiếng là người chính trực nghiêm minh, tuân thủ pháp luật.
Sự thành danh của Lưu Tán không thể không kể đến phương pháp giáo dục nghiêm khắc của cha ông là Lưu Tần đối với ông. Khi Lưu Tán còn nhỏ, Lưu Tần đang làm huyện lệnh. Lưu Tần yêu cầu vô cùng nghiêm khắc đối với con trai. Lưu Tán vừa đến tuổi đi học, ông đã được cha dạy học các sách cổ như Thi Kinh, Thượng Thư (Ngày nay đây là những sách có ý nghĩa vô cùng uyên thâm, nhưng lại là những sách giáo khoa mà người thời xưa bắt buộc phải học từ nhỏ).
Để khích lệ con trai, Lưu Tần thường cho con trai mặc áo vải xanh mà những người đi học thời xưa mặc (vào thời phong kiến, khi còn chưa có chế độ thi cử, người đi học thường mặc áo xanh; đến khi có chế độ thi cử thì sau khi thi đậu tú tài mới được mặc áo vải xanh).
Mỗi lần ăn cơm, Lưu Tần một mình ăn thịt và luôn chuẩn bị một vài món rau cho con trai ăn. Ông nói với con trai rằng: “Món thịt là bổng lộc triều đình ban cho cha, là do tự bản thân cha kiếm được. Nếu như con cũng muốn ăn thịt thì cần phải chuyên cần học tập, như vậy sau này nhất định cũng có thể tự mình kiếm được bổng lộc, lúc đó con sẽ có thịt để ăn. Bổng lộc của cha không phải là thứ mà con nên thừa hưởng”.
Lưu Tần đã dùng phương pháp này để khích lệ con trai, có thể có người cảm thấy ông là một người cha không yêu thương con và quá nghiêm khắc, nhưng thực ra đó lại là nguồn khích lệ rất lớn đối với Lưu Tán. Nhờ phương pháp giáo dục này của cha, Lưu Tán đã rất chuyên cần học tập, hơn 20 tuổi ông nổi tiếng nhờ tài văn chương. Năm hơn 30 tuổi ông đã thi đậu tiến sĩ.
***
Làm cha làm mẹ, ai cũng muốn mang những gì tốt đẹp nhất mà để lại cho con cái. Nhưng kỳ thực, dù cấp cho con bao nhiêu tiền của đi nữa thì cũng đều là những vật ngoài thân. Chỉ có dạy cho chúng trọng đức và hướng thiện, mới là điều tốt đẹp nhất cho tương lai lâu dài.
Câu nói của người xưa: “Để lại cả thúng vàng lại cho con cháu, không bằng dạy cho chúng học một cuốn kinh thư”, thật vô cùng ý nghĩa! Chỉ có để lại sự thanh bạch quý báu cho con cháu đời sau, mới có thể khiến cho chúng hưởng dụng vô cùng.
Người hiện đại ngày nay khi đọc những câu chuyện trên, có thể rất nhiều người sẽ không mấy đồng tình, cho rằng dạy con như vậy thật quá khắt khe, khắc nghiệt, tiền bạc của mình không để lại cho con cháu thì còn mang đi đâu?
Tuy nhiên, câu chuyện cũng thật đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
Các bậc cha mẹ ngày nay thường cưng chiều con cái quá mức, những đứa trẻ cũng vì vậy mà nghiễm nhiên trở thành những cậu ấm cô chiêu suốt ngày chỉ biết đòi hỏi. Không những thế, các bậc cha mẹ ngày nay cũng không ngại ra sức “làm trâu làm ngựa”, hòng kiếm thật nhiều tiền tài, bổng lộc, với mục đích “để lại cho con mình thừa hưởng”. Tuy nhiên, họ không biết rằng, chính là mình đang vô tình biến con cái trở thành những kẻ vô dụng, trở thành một thế hệ chỉ biết ỷ lại và cúi đầu.
Câu nói của Lưu Tần dạy con ở trên: “Bổng lộc của cha, không phải là thứ để con thừa hưởng”, quả thực rất thâm thúy, sâu xa.
Những bài học dạy con ý nghĩa của người xưa, cũng chính là những tấm gương sáng để chúng ta kịp soi mình. Hãy làm một người cha người mẹ thông minh, biết buông tay đúng lúc để giúp con trẻ có thể vững vàng trên bước đường nhân sinh này.
Chân Tâm
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-xua-giang-muon-gia-toc-hung-thinh-can-giao-duc-con-cai-dieu-nay.html
Comment