No icon

ao-giap-giay-nam-tuoi-cua-trung-quoc-mong-nhe-sieu-ben-can-ca-dao-kiem-ten-hay-sung-dan

Áo giáp giấy 2600 năm tuổi của Trung Quốc: ‘Mỏng nhẹ siêu bền, cản cả đao kiếm, tên hay súng đạn’

Thoạt đầu nghe tên, chẳng ai có thể ngờ được áo giáp bằng giấy từ thời cổ đại ở Trung Quốc lại hiệu quả và có sức mạnh đáng gờm đến như vậy; ngay cả đao kiếm, cung tên hay súng lục đều không thể xuyên qua. 

Theo Ancient Origins, khi nền văn minh Roman đang phát triển rực rỡ ở phương Tây thì một nền văn minh tương tự ở phương Đông, thậm chí còn tiên tiến và phức tạp hơn được hình thành bên bờ sông Trường Giang: “Nền văn minh Trung Hoa cổ đại.”

Người Trung Quốc cổ xưa nổi tiếng với 4 phát minh là giấy, thuốc súng, la bàn và nghề in, đó là những phát minh đặt định cho nền văn minh tiên tiến của con người chúng ta hôm nay. Có những lời đồn đại về một số công nghệ tiên tiến xuất hiện ở Trung Quốc trong thời kỳ mà không hề có ở phương Tây.

Bức vẽ hoạn quan Thái Luân và phát minh quy trình làm ra giấy. (Ảnh: epizodsspace.airbase.ru)

Một trong số những công nghệ đó chính là “áo giáp giấy”. Nghe có vẻ hơi ngược đời vì áo giáp đáng nhẽ ra phải làm bằng kim loại mới bền chắc và chịu được đao kiếm hay cung tên, giấy là vật dụng mỏng như vậy sao mà có thể?

Nhưng đó lại là sự thật. Ít ai biết được rằng những người thợ Trung Hoa cổ đại lại có thể sáng tạo ra một loại áo giáp có sức mạnh vượt trội hơn cả áo giáp kim loại như vậy, ngay cả những nền văn minh phát triển như Rome hay La Mã cũng chưa từng phát minh ra. 

Phát minh áo giáp giấy 2.600 năm tuổi 

Mặc dù vẻ bề ngoài khá mỏng manh nhưng áo giáp giấy lại cho thấy khả năng và tính hiệu quả vượt trội trong chiến đấu. Và vật liệu tạo ra loại ra áo giáp này là giấy – 1 trong 4 phát minh nổi tiếng của người Trung Hoa xưa. 

Ngoài 4 phát minh cơ bản, người Trung Quốc xưa đã tự mình phát triển vũ khí, thiên văn học, toán học và nâng tầm nghề luyện kim phức tạp lên đến trình độ ngang bằng hoặc đôi lúc còn tiến bộ vượt trội so với vùng Địa Trung Hải.

Giấy được phát minh ra tại Trung Quốc vào khoảng năm 105 TCN bởi một hoạn quan có tên là Thái Luân. Ông đã dùng vỏ cây, sợi gai, vải rách… nghiền nhỏ, xeo thành tờ, chế tạo ra giấy. 

Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng rằng giấy gai dầu (hay còn gọi là cây cần sa) có thể đã được phát minh sớm hơn, từ thế kỷ thứ II TCN, trước Thái Luân 100 năm. Với những ưu thế vượt trội như giá thành rẻ, nhẹ, giấy viết dần thay thế các chất liệu để lưu trữ văn tự được dùng phổ biến trước đây như thẻ tre, mai rùa và lụa.

Những mảnh giấy được làm từ cây gai dầu từ thời nhà Hán. (Ảnh: Wikipedia)

Áo giáp giấy được người Trung Quốc sử dụng khá sớm, vào khoảng năm 600 TCN. Được chế tạo từ 10-15 lớp giấy được làm từ vỏ cây dâu tằm, những chiếc áo giáp này được tẩm thêm nhựa thông hoặc một số loại nhựa cây khác giúp chúng bền và vượt trội hơn hẳn các áo giáp bằng kim loại thời bấy giờ, thậm chí còn chống được cả tên bắn. 

Đây thật sự là một trang bị hoàn hảo và cần thiết cho các binh sĩ thời cổ đại trong những trận chiến ác liệt trên chiến trường. 

Phục dựng và thử nghiệm thực tế áo giáp giấy: Mạnh đến bất ngờ!

Nhằm kiểm tra sức mạnh tiềm ẩn bên trong áo giáp giấy, chương trình Mythbusters của kênh Discovery đã tiến hành một số thử nghiệm để kiểm tra độ bền, so sánh sức mạnh và độ linh hoạt của loại áo giáp này so với áo giáp bằng thép thời bấy giờ. 

Nhóm thực hiện chương trình đã dựng lại 2 bộ áo giáp giấy có độ dày khoảng 13mm, 1 cái được được tẩm nhựa thông, cái còn lại thì không. Những vũ khí được sử dụng bao gồm gươm, súng lục của thế kỷ 18 và loại súng côn xoay 0,45 từ thể kỷ 19.

Phục dựng áo giáp giấy của người Trung Quốc cổ đại. (Ảnh: Ancient Origins)
Áo giáp thép của người Trung Quốc xưa. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Kết quả khá bất ngờ khi hầu hết đều gần như không thể xuyên phá áo giáp giấy, ngay cả áo giáp giấy không được tẩm nhựa thông cũng có khả năng bảo vệ tốt như áo giáp thép, thậm chí có phần vượt trội hơn. Tuy nhiên, nó cũng có hạn chế nhất định là không thể chống đỡ được những đòn tấn công dồn dập cũng như sức công phá từ khẩu côn xoay 0,45. 

Nhưng nhìn chung, áo giáp giấy cũng chứng tỏ được khả năng bảo vệ không hề kém cạnh áo giáp thép. Điều đó là cơ sở vững chắc giúp các nhà khoa học đưa ra tuyên bố về việc người Trung Quốc xưa từng sử dụng áp giáp giấy trong chiến tranh là hoàn toàn khả thi.

Nó cũng nói lên khả năng sáng tạo độc đáo của người xưa khi có sáng chế ra áo giáp bảo vệ cơ thể từ nhiều vật liệu khác nhau. Mặc dù vậy, một vũ khí dù có hoàn hảo đến đâu cũng tồn tại yếu điểm. Ngoài việc không thể chống đỡ những đòn tấn công dồn dập, điểm yếu chí tử khác của áo giáp giấy là nó có thể tan khi ở trong môi trường nước. Đây là một hạn chế lớn vì trọng lượng nhẹ của áo giáp giấy. 

Áo giáp giấy vô dụng khi bị dính nước. (Ảnh: NetNews)

Nhưng việc áng chế ra áo giáp sử dụng những vật liệu sẵn có với khả năng thậm chí còn vượt trội hơn cả áo giáp kim loại của người cổ đại thực sự khiến hậu thế như chúng ta phải thán phục. 

Sơn Tùng

Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/ao-giap-giay-2600-nam-tuoi-cua-trung-quoc-mong-nhe-sieu-ben-can-ca-dao-kiem-ten-hay-sung-dan.html

Comment