chuyen-chua-ke-ve-nha-ngoai-cam-phan-thi-bich-hang
Chuyện chưa kể về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng
- bởi tamthuc --
- 04/07/2012
(tamthuc.com)-Bích Hằng đang đi tìm mộ.Sau khi Bích Hằng chôn cất thắp nhang, người lính Sài Gòn này đã “dắt” Hằng đến bên bụi cây rất lớn và chỉ chính xác chỗ anh bộ đội nằm và khi đào thì thấy ngay hài cốt. Hằng bảo với dân làng: “Vậy là anh ta đã lấy công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa nhé!”.Những ngày đầu tiên đi tìm mộ đối với Phan Thị Bích Hằng hết sức khó khăn. Khi đó, chị chưa biết “nói chuyện” với người đã chết, mà chỉ “nhìn” thấy hình dáng họ như thế nào mà thôi, họ già hay trẻ, da trắng hay đen, béo hay gầy và trên cơ thể có những đặc điểm gì đặc trưng. Chính vì thế, có những trường hợp trông hình thức thấy nhang nhác nhau dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc.
Đó là một kỷ niệm đi tìm liệt sĩ chống Pháp hy sinh ở trận Chùa Cao (Ninh Bình). Chị tìm thấy hài cốt liệt sĩ này ở dưới ruộng, gần bốt Chùa Cao. Chị “trông” thấy ông mặt vuông chữ điền, râu quai nón, rất giống con trai ông, nhờ Hằng tìm mộ. Bích Hằng khẳng định đúng là ngôi mộ của liệt sĩ và đề nghị gia đình đắp đất lên để hôm sau tiến hành đào hài cốt.
Tuy nhiên, đêm đó, khi đang ngủ, tự nhiên có một bác bộ đội đi cùng một người nữa giật giật chân kéo chị dậy và bảo: “Này này, cậu dậy đi tớ bảo cái này. Hôm nay cậu làm thế là không được nhé. Cậu nhầm rồi. Cậu lại chỉ mộ cậu liên lạc của tớ. May mà vợ con tớ chưa đem về đấy nhé. Nếu mà đem về nghĩa trang rồi thì hóa ra tớ vẫn phải nằm lại ngoài ruộng mà cậu liên lạc lại được cả nhà tớ kêu bằng bố.
Nhìn đây này, cậu liên lạc mới chỉ 23 tuổi, còn tớ đã ba mấy tuổi rồi. Tớ có cái mụn ruồi ở mũi, cậu nhìn thấy chưa, rất to. Ngày xưa bố vợ suýt không đồng ý gả con gái cho tớ vì bảo cái mụn ruồi ấy là chết yểu, con gái ông lấy tớ sẽ góa chồng sớm. Dù có cái mụn ruồi quái quỷ ấy nhưng tớ vẫn đẹp giai nên cô ấy vẫn mê và quyết lấy tớ. Đây này, nhìn nhé, ở cái chỗ đất này, tớ ném cành hoa vạn thọ ở chỗ này nhé. Mai cậu nhớ phải lên sớm không trẻ con nó nghịch lại lấy đi mất”.
Đúng như dặn dò, hôm sau Hằng dậy thật sớm, một mình đi xe xuống chỗ mô đất đắp hôm qua. Hằng chợt rùng mình vã mồ hôi giữa mùa đông giá rét khi thấy cách chỗ nấm đất khoảng 5m, trên nền cỏ ướt đẫm sương đêm có một cành cúc vạn thọ. Phía dưới cành cúc vạn thọ chị “nhìn thấy” hài cốt của người liệt sĩ chống Pháp mà đêm trước đã dựng chị dậy chỉ dẫn.
Ngay lập tức, chị đến gia đình xin lỗi và thuật lại chuyện liệt sĩ về báo cho chị tối hôm trước. Khi nghe Hằng kể đến đoạn nhìn thấy bác liệt sĩ có cái mụn ruồi to tướng trên cánh mũi thì bà cụ, là vợ của liệt sĩ òa lên khóc và khẳng định: “Đúng là mộ chồng tôi rồi”.
Ngay hôm ấy, cả gia đình nhà nọ cùng đi đào chỗ Hằng chỉ và thấy ngay hài cốt. Hài cốt người chiến sĩ này nằm dưới mảnh ruộng mà từ nhiều năm nay người ta vẫn cày bừa, trồng cấy. Sau đó, hài cốt đó được đưa về quê nhà, còn hài cốt người liên lạc được đưa vào nghĩa trang Chùa Cao.
Trường hợp đầu tiên mà chị Bích Hằng phát hiện ra khả năng “giao tiếp” của mình với các “vong” là khi “gặp” mẹ của GS Mai Hữu Khuê, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân. Khi chị đi tìm, liền “thấy” một bà cụ. Đứng trước cụ, chị cảm thấy như có tiếng nói, “thấy” cái miệng lắp bắp mà không hiểu cụ nói gì.
Chỗ bà cụ nằm là một cái vũng nước rất bẩn. Hằng liền cất giọng: “Cụ ơi, cụ nói cái gì đấy?”. Hằng đột nhiên “nghe thấy” cụ gọi: “Cháu ơi!”. Tim chị như muốn vỡ ra vì sung sướng, bởi chị đã nghe được âm thanh phát ra từ phía người chết.
Bà bảo: “Bà tên Kình, nhắn hộ cho bà là mộ bà ở đây mà các con tìm mãi không thấy. Con bà là Khuê”. Nghe được thông tin đó, Hằng kể lại cho dân làng. Dân làng bảo con bà ấy làm to lắm, rồi họ nhắn cho ông Khuê về nhận mộ mẹ.
Từ khi “trò chuyện” được với người chết, chị Hằng cứ lang thang đến khắp các ngôi mộ để “nghe” người chết “nói”, rồi tìm cách chỉ dẫn cho thân nhân họ. Chính vì có khả năng đặc biệt này mà Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã nghiên cứu đề tài TK06, có nghĩa là “tìm ngược”, tức người chết tìm người sống.
Đề tài này đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Đã có rất nhiều liệt sĩ vô danh thông báo cho người nhà biết được mình đang nằm ở đâu, đến để đào hài cốt đưa về quê thông qua các nhà ngoại cảm.
Sự kiện gây xúc động lớn mới diễn ra gần đây là hành trình xác định tên cho các liệt sĩ nằm dưới những ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang Điện Biên Phủ và cuộc “đi tìm” người thân, đồng đội còn sống của các liệt sĩ thông qua các nhà ngoại cảm.
Hầu hết những cuộc nhắn đi đến địa chỉ này, địa chỉ kia, tìm người này người kia… của người chết đều chính xác đến kinh ngạc.
Cũng chính vì cách tìm ngược đó mà Bích Hằng làm được những việc đáng trân trọng. Trong những chuyến đi tìm mộ thất lạc cho gia đình nào đó, đều có rất nhiều người chết “đi theo” nhờ cậy. Trên đường đi tìm mộ, cứ “thấy” chỗ nào có hài cốt, chị thắp nén hương, “họ” liền túm ngay lấy, nói: “Tôi tên là thế này, người nhà tôi là người này, ở nơi này…”.
Thế là cuối cùng gia đình nhờ mình đi tìm mộ vẫn chưa tìm thấy thì đã lại tìm được cho nhiều người khác. Để đi được đến nơi có ngôi mộ cần tìm thì phải trò chuyện, giúp đỡ không biết bao nhiêu người.
Trong chuyến đi tìm mộ ở xã Vô Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên), chính qua những lời “nhắn nhủ” của người âm dọc đường đi tìm mộ mà chị đã tìm thấy mộ cụ Lương Ngọc Quyến, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đầy bi tráng diễn ra năm 1917.
Những người nằm dưới đất, nơi chị Hằng đi qua “nhắn” rằng: “Ở phía đồi bên kia có một lão thành, là người có công với nước rất nhiều, nếu cháu có thể quá bộ qua đó thăm ông ấy thì tốt”. Tuy nhiên, khi đó đường đi quá xa, nên chị xin lỗi, từ chối, chỉ ghi lại thông tin mà “họ” cung cấp. Chị còn phải đi tìm cho gia chủ, cho người nhờ mình xong đã.
Khi về Hà Nội, từ những thông tin mà những người đã chết cung cấp, Hằng nhắn cho anh Lương Quân, là cháu nội cụ Quyến. Một thời gian sau, Hằng tiếp tục lên Thái Nguyên tìm mộ. Trong quá trình đi tìm lại gặp một “linh hồn” và người này giới thiệu với chị là nhà báo Thôi Hữu, rồi ông lại nhắn rằng: “Bên kia đồi có người đức cao vọng trọng, là cụ Lương Ngọc Quyến”.
Vậy là hành trình tìm mộ cụ Lương Ngọc Quyến, người đã yên nghỉ gần thế kỷ giữa cánh rừng đại ngàn đã diễn ra hết sức kỳ lạ, xúc động.
Hồi đi tìm mộ cụ sư tổ chùa Vua, phố Thịnh Yên (Hà Nội) để lại cho chị nhiều kỷ niệm nhất về lòng vị tha cũng như nghĩa tình của… người chết. Trước đây chùa Cua rộng lắm, sau khi mất, cụ sư tổ được an táng trong khuôn viên nhà chùa. Tuy nhiên, khi đất cát lên giá, người dân lấn chiếm đất chùa, dựng nhà dựng cửa làm mất mộ cụ.
Bích Hằng lội xuống hồ nước tìm nhưng không thấy. Đêm đó, nhà chùa thắp nến sáng rực cả khu vực quanh chùa, thế rồi sư tổ lên gặp chị. Sư tổ “kể” tỉ mỉ đã chết như thế nào. Cụ tên thật là Hoàng Đình Điều, người Lạng Sơn, từng là một tướng quân, dưới quyền “Hùm xám Yên Thế” Hoàng Hoa Thám.
Sau khi giặc Pháp bắt được cụ Đề Thám thì cũng bắt được cụ. Tuy nhiên, cụ trốn được và tìm về chùa này tu. Dù tu thiền, song cụ vẫn hoạt động cách mạng bằng cách nuôi giấu cán bộ. Trong số những cán bộ cách mạng được cụ nuôi giấu ngày đó có cụ Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Phong trào Xôviết – Nghệ Tĩnh.
Cũng là cơ duyên, vì cụ Nguyễn Phong Sắc đã được Bích Hằng tìm thấy năm 2002 và Tỉnh ủy Nghệ An đã xây tượng đài cụ Nguyễn Phong Sắc ở xã Phúc Lộc, huyện Nghi Lộc. Cụ “bảo”, mộ cụ hiện nằm dưới hai ngôi nhà, chứ chỗ mọi người đắp đất, thắp hương không phải.
Khi đó, chị Hằng còn “nhìn thấy” hàng ngàn môn sinh, những người tự vệ đỏ đứng xếp hàng lối nghiêm trang sau cụ sư tổ. Những người đi theo cụ đều “tỏ ra” bất bình, vì cụ là người đức cao vọng trọng, có công với cách mạng, vậy mà không những người đời không biết đến mà lại bị người ta lấn chiếm đất xây đè lên.
Cụ “than” với chị Hằng rằng, hai gia đình xây đè lên mộ cụ đều gặp những chuyện tai ương, rồi làm ăn thất bát. Cụ thương họ lắm. Cụ là người xuất gia, không muốn làm người đời phải khổ, việc hai gia đình nọ gặp nhiều chuyện bất hạnh là do những nghĩa quân đi theo cụ bất bình nên mới gây ra như vậy.
Cụ còn nói với chị Hằng: “Làm được cho đời mới tốt, chứ cái thân xá lợi thì nghĩa lý gì”. Sư cụ không đồng ý cho mọi người đào bới hài cốt cụ. Lúc đó, cụ Nguyễn Phong Sắc cũng về nói với Bích Hằng: “Cụ nằm thế này không được, người ăn mày cũng còn được chôn cất tử tế, đằng này là cụ…” .
Cụ sư tổ “kể” tiếp: khi an táng cụ chẳng có cái gì, chỉ có mỗi nậm rượu chôn theo. Ngày đó, khi luyện võ xong, cụ thường cùng cụ Đề Thám chén tạc chén thù. Khi chết, cái nậm rượu đó vẫn đeo bên mình. Có thể xương cốt không còn, nhưng cái nậm rượu đó thì vẫn còn nguyên vẹn.
Như vậy, theo Bích Hằng, dưới cõi âm, người chết vẫn nhớ người sống. Tuy nhiên, dù theo đạo nào, “người âm” cũng mong người đời không quên lãng họ. Họ sẽ còn sống đến khi ta còn nghĩ đến họ. Họ là những người rất tình nghĩa.
Cụ sư tổ chết bao nhiêu năm rồi mà vẫn “dặn dò” chị Hằng kỹ lưỡng, khi nào đi chùa, thì nhớ thắp hương cho cả cụ Đề Thám, cho cả những nghĩa quân, chiến sĩ tự vệ đỏ, tự vệ thành. Cụ cũng “kể” thêm rằng, cụ đã truyền hết võ nghệ cho Hoàng Hoa Phồn, chỉ tiếc rằng anh ta không nối tiếp được sự nghiệp lừng lẫy mà lại chết sớm… Khi nghe chị kể lại như vậy, những người được chứng kiến, có rất nhiều cán bộ, các nhà sử học đều xúc động rơi nước mắt.
Hồi đi tìm một chiến sĩ cách mạng ở công viên Lê Thị Riêng thì lại “thấy” một lính Sài Gòn. Người lính ngụy ấy cứ níu chân chị để “nhờ” chị nhắn nhủ mấy câu. Khi tìm thấy hài cốt của người lính ấy thì thấy chiếc dây chuyền platin sáng lấp lánh.
Anh ta muốn “nhờ” chị nhắn vài lời với gia đình nhưng lại sợ những liệt sĩ ở cạnh biết, tức là những chiến sĩ cách mạng chôn gần đó. Nhưng cụ Phan Sào Nam hiện lên “nói”: “Khi về cõi âm rồi thì không nên phân biệt bên này hay bên kia nữa. Chúng ta đều là những linh hồn cần được giúp đỡ. Cậu cứ việc nhắn nhủ cho gia đình đi”.
Bích Hằng kể rằng, chị “nhìn thấy” người lính Sài Gòn đó cứ run rẩy, lóng ngóng, sợ sệt. Khi đó, cậu ta có “nói” với chị: “Nếu ai thích chiếc dây chuyền thì có thể cho”. Trên chiếc dây chuyền đó có gắn một miếng vàng rất đẹp, tuy nhiên, chẳng ai dám lấy cả. Thế là lại vùi xuống chỗ cũ rồi ghi lại thông tin để báo cho gia đình người lính này biết, vào mang hài cốt về.
Cuộc đi tìm kiếm mộ ở Vĩnh Thạnh, Bình Định cũng là một kỷ niệm hết sức đáng nhớ của Bích Hằng. Khi đào mộ anh bộ đội thì thấy cái biển tên ở trước ngực ghi là Trung tá Nguyễn Hữu Túy tức là lính Sài Gòn. Mọi người đều giật mình, nhưng lại nghĩ, hay là anh bộ đội lấy áo lính Sài Gòn mặc cải trang, rồi bị bắn chết.
Thế nhưng, lúc đó chị nghe thấy “tiếng gọi” phát ra từ bụi cây: “Không phải, tôi nằm bên này cơ!”. Lúc đó có một anh cùng trong đoàn đi đào mộ, là xã đội trưởng ào đến căm phẫn hét lên: “Cái thằng này ác ôn lắm, chính nó đã giết bố tôi đây”.
Anh kể rằng, hồi gần 10 tuổi, anh tận mắt chứng kiến bọn lính Sài Gòn đóng đinh bố anh vào cây dừa và chính tên Túy đã dùng lưỡi lê rạch từ ngực bố anh xuống rồi moi gan bố anh ra ngoài. Khi đó, bố anh là cán bộ của ban tuyên huấn xã, tích cực tuyên truyền cách mạng.
Anh căm phẫn, định lấy hòn đá ghè vào đống xương cốt. Chị Hằng hết mực ngăn can: “Người ta bây giờ cũng chỉ còn là nắm xương tàn. Anh có làm vậy bố anh cũng không sống lại được. Tốt nhất là cứ bốc hài cốt người ta lên, chôn cất cẩn thận, rồi người ta phù hộ cho, sau đó đi tìm tiếp mộ anh bộ đội giải phóng”.
Thế nhưng, anh ta kiên quyết: “Ai làm việc đó thì làm, tôi nhất định không làm”. Người dân ở đó cũng đều chứng kiến cảnh bọn lính Sài Gòn giết hại, moi gan bố anh xã đội cùng 6 người khác nên rất căm phẫn, nhất định không chôn hài cốt người lính này, mặc cho Hằng khuyên nhủ thế nào.
Cuối cùng chị phải bỏ tiền, ra Quy Nhơn mua chiếc tiểu, bỏ hài cốt vào rồi mai táng. Tuy nhiên, khi Hằng đặt bát hương, thắp hương thì mọi người trong làng lại xô ra không cho chị thắp. Gia đình người lính kia đều ở bên Mỹ cả nên không biết nhắn nhủ ra sao.
Khi đó, anh bộ đội hiện lên “dặn” Hằng nói với mọi người thế này: “Nếu mọi người không thắp hương cho anh ta thì anh bộ đội sẽ không cho tìm hài cốt của anh đâu. Thắp cho anh ấy nén nhang thì anh ấy sẽ chỉ chính xác chỗ anh bộ đội nằm”.
Nghe Bích Hằng nói vậy, người dân trong vùng mới cho cô thắp nhang. Người lính Sài Gòn này đã “dắt” Hằng đến bên bụi cây rất lớn và chỉ chính xác chỗ anh bộ đội nằm và khi đào thì thấy ngay hài cốt. Hằng bảo với dân làng: “Vậy là anh ta đã lấy công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa nhé!”.
Anh bộ đội “kể” với Bích Hằng, hồi đó, anh là lính đặc công, bị Túy bắt được, nhưng khi hắn đang áp giải thì anh đã sử dụng võ thuật đá văng khẩu súng, rồi cướp lưỡi lê của nó giết nó luôn. Tuy nhiên, vừa giết được nó thì anh lại bị trúng đạn bởi một tên đi phía sau.
Bích Hằng kể rằng: Quá trình đi tìm mộ cực kỳ vất vả, nhiều khi phải đi bộ cả ngày trong rừng thẳm mới đến nơi có hài cốt. Hầu hết các chiến sĩ chỉ được quấn tấm vải khi chôn, nên lúc tìm thấy, tấm vải dù vẫn còn nguyên vẹn, nhưng hài cốt đã mủn, hoặc thành đất cả rồi.
Chứng kiến những cảnh ấy thương lắm. Đó cũng chính là động lực để chị quyết tâm hơn trên hành trình đi tìm mộ đầy vất vả, gian nan. Đã có cả ngàn ngôi mộ được chị tìm thấy, và mỗi cuộc tìm kiếm là một câu chuyện đầy xúc động.
Bích Hằng tâm sự: Trong các cuộc tìm kiếm hài cốt cũng có nhiều chuyện buồn vì không phải cuộc tìm kiếm nào cũng thành công. Nếu không tìm được mộ thì quả thực rất khó nói với gia đình người quá cố, vì họ đặt niềm tin vào mình quá lớn.
Chị cũng mong những gia đình mà chị không giúp được hãy thông cảm cho những nhà ngoại cảm bởi không phải lúc nào cũng thành công.
TAMTHUC
Comment