No icon

an-so-su-sieu-pham-cua-ba-nguyen-thi-nguyen

Ẩn số sự ‘siêu phàm’ của bà Nguyễn Thị Nguyện

(tamthuc.com)-Theo phân loại của Wikipedia Tiếng Việt, nguyên nhân, nguồn cơn của ngoại cảm chia thành 3 dạng: Ngoại cảm bẩm sinh (tức là sinh ra đã có khả năng ngoại cảm); Ngoại cảm hình thành sau khi phải trải qua một biến cố ngoại cảnh: chấn thương, bệnh tật…; Ngoại cảm có do rèn luyện theo những phương pháp đặc biệt.

Báo chí rất ít khi nhắc đến nguồn cơn bà Nguyễn Thị Nguyện (Nhà 12, ngách 45, ngõ 6, đường Phương Mai, Đống Đa – Hà Nội) trở thành nhà ngoại cảm như thế nào. Tuy nhiên, bà Nguyện được ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc UIA (Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng) “dán tem” đảm bảo về chất lượng với khả năng tìm mộ chính xác đến 70%.

Từ Hà Nội, tìm thấy cả mộ ở Trung Quốc

Báo điện tử Ngoisao ngày 28/3/2007 có đăng tải một bài viết về quá trình tìm mộ tận bên kia biên giới của bà Nguyễn Thị Nguyện. Theo đó, gia đình ông Tập là người Việt Nam, nhưng họ đã có thời gian sống ở Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc. Lúc bà Tập mất, ông Tập chôn cất vợ nơi đất khách quê người và đưa các con trở về cố hương làm ăn sinh sống. Đến năm 1945, ông Tập mất.

Tháng 7/2000, các con ông Tập là bà Khánh và ông Niên đến nhờ bà Nguyện tìm mộ giúp. Sau khi nghe kể lại một vài chi tiết về nơi chôn cất của bà Tập ở Mông Tự, Vân Nam, bà Nguyện bắt đầu vẽ sơ đồ.

Sau nhiều ngày ở Vân Nam, cầm cuốn băng ghi âm có những lời hướng dẫn tỉ mỉ của bà Nguyện, gia đình bà gia đình bà Khánh đã tìm được mộ của mẹ và xây mới khang trang. Như vậy, sau nhiều năm day dứt, các con của ông Tập cũng đã tìm lại được ngôi mộ của mẹ mình nhờ vào khả năng ngoại cảm của bà Nguyện.

Bà Nguyễn Thị Nguyện (Ảnh: langngoaicam.wordpress)

Câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyện nhờ khả năng ngoại cảm đã tìm được chính xác cả người sống thất lạc gia đình gần 60 năm do báo của Liên hiệp khoa học công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) đăng tải đã khiến dư luận cả nước xôn xao trong suốt một thời gian dài.

Theo đó, ông Vũ Đức Thật, 65 tuổi (Trú tại, Trung Thịnh – Trường Thịnh – Ứng Hoà – Hà Tây) đã bày tỏ nỗi xúc động của mình khi tìm lại được người em trai mất tích từ năm 1945 mà gia đình ông tưởng không bao giờ còn được gặp lại trên trang uia.edu.vn.

Ông Thật kể, năm Ất Dậu (1945), nạn đói đã cướp đi cha và hai người trong số năm anh chị em nhà ông. Ông Thật và người chị gái phải đi làm thuê, ở đợ mỗi người một phương. Ba tháng sau khi cha mất, trên đường đưa người em út đi tha phương cầu thực kiếm miếng ăn, mẹ ông qua đời và người em út khi đó khoảng bốn tuổi cũng mất tích luôn. Sau chiến tranh, qua nhiều năm tìm kiếm gia đình hầu như đã hết hy vọng.

Gặp được bà Nguyễn Thị Nguyện, ông Thật đã tỏ ý mong muốn bà tìm mộ người em út và mẹ mình để người sống được yên lòng. Tuy nhiên, bà Nguyện cho biết, người em trai của ông chưa chết: “Em trai ông hiện nay vẫn còn sống – cô Nguyện nhắc lại từng lời rất rõ ràng – Năm 1945 đi cùng bà mẹ, khi bà chết có người đã bế đi theo hướng Cao Bằng – Lạng Sơn”– ông Thật tâm sự trên uia.edu.vn.

Bằng khả năng ngoại cảm của bà Nguyện, sau nhiều ngày dẫn lối chỉ đường ông Thật đã tìm được người em trai sau nhiều năm xa cách.

Linh hồn giả vẫn tìm thấy mộ thật

Vào năm 2007, phóng viên Bạch Ngân của báo điện tử Vietimes đã từng có một cuộc gặp gỡ vô cùng thú vị với bà Nguyễn Thị Nguyện để “tận mục sở thị” khả năng ngoại cảm của bà.

Ngoại cảm về bản chất một lĩnh vực nghiên cứu còn chưa nhận được đồng thuận trong giới khoa học. Chính vì thế, công chúng càng cần một thái độ thận trọng, tỉnh táo và cầu thị khi tiếp cận những thông tin “ngoại cảm”.

Với vai trò là người thân đi tìm “mộ” của “chú” mình là Nguyễn Văn Bùi sinh năm 1948 sau 40 năm “thất lạc”. Sau nhiều ngày chờ đợi, chầu chực tại nhà bà Nguyện, cuối cùng PV cũng gặp được bà.

Với cách xưng hô mày tao kiểu chợ búa, bà Nguyện chỉ hỏi mỗi tên tuổi năm mất của người đã khuất, thế rồi bà tuôn ra một tràng dài mô tả hình dáng người chú mà phóng viên muốn tìm.

“Chú mày nếu như tả ngày xưa thì về dáng, chú mày là người cao, gầy, chứ không phải là mập mạp, mặt hơi quắt, nét đi hơi vội vã. Đấy là tả về chú. Chú mày thì nói là tài, một là biết ngâm thơ, hai là biết thổi sáo. Đấy là nói về chú. Nếu như nói thời kỳ trước kia của chú mày mất, là có một người bạn chôn cho, và sau này có một người bạn báo lại là chú mày đã mất. Chú mày bấy giờ thì là người biết mọi việc về kinh tế chứ không phải là chú mày không biết. Nhưng chú mày có mắc một cái sai. Cho nên nói về ốm chết thì không đúng, chú mày hoàn toàn không bị ốm chết. Nhưng sau này, người ta nói là ốm chết vì không ai biết được tung tích của chú” – bà Nguyện nói với phóng viên Bạch Ngân như thế.

Sau đó, với một loạt hướng dẫn, bà Nguyện đã chỉ cho phóng viên tới một ngôi mộ ở thật ở nghĩ trang Yên Kỳ (Ba Vì – Hà Tây cũ).

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là phóng viên Bạch Ngân không có ông chú nào thất lạc tên Bùi cả. Cái tên đó là do phóng viên tự nghĩ ra.

Phải chăng, nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện đã có một khả năng “siêu phàm”, không chỉ “nói chuyện” được với người chết trong “cõi âm” để tìm mộ, mà còn nói chuyện được với cả linh hồn chưa từng có trên đời và vẫn mang lại được cho những linh hồn “giả” đấy một bộ hài cốt “thật”.

Mẫn Chi 
(tổng hợp)

TAMTHUC

Comment